Ông Địa là ai?
Ông Địa hay còn được người dân gọi là Thổ Công, là một vị thần trông coi những mảnh đất mà nơi ông được thờ cúng vì vậy trong dân gian mới có câu nói: "Đất có thổ công, sông có hà bá''.
Trong mỗi gia đình đều có một vị thổ công trông coi nhà cửa và đất đai, việc thờ cúng thổ công trong mỗi gia đình đã xuất phát từ thời xa xưa vì người dân tin rằng có đất đai thì mới có thể làm nông nghiệp, mới có thể tạo ra áo cơm và có được cuộc sống yên bình.
Nhưng hơn hết, muốn giữ được đất đai thì phải có một vị thần giúp canh giữ những mảnh đất và thế là từ đó những nhà làm nông nghiệp bắt đầu thờ cúng thổ công.
Trong xã hội ngày này, tùy vào sức ảnh hưởng của văn hóa mà ông Địa có thể xuất hiện dưới nhiều hình dáng và miêu tả khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là hình ảnh vị thần với bụng to, vẻ mặt hiền lành miệng cười khoái chí và có lúc thì Thổ Địa cũng xuất hiện với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ, mặc áo dài và đội mũ mỏ quạ. Trong Phật giáo ông Địa cũng rất được coi trọng và rất nhiều người Phật tử cũng siêng năng thờ cúng vị thần này.
Ông Địa khác gì so với ông Thần Tài
Mặc dù thường xuất hiện cùng nhau trên bàn thờ trong gia đình tuy nhiên ông Thần Tài và ông Địa có những khả năng khác nhau nhưng đồng thời cũng liên quan với nhau vì nhân gian có câu: ''Thổ năng sinh bạch ngọc, Địa khả xuất hoàng kim'' nghĩa là ''Đất thường sinh ra ngọc tốt, Vàng cũng từ đất mà sinh ra''. Câu này có ý nói việc cả ông Thần Tài và ông Địa đều có liên quan đến cuộc sống và ảnh hưởng đến tài lộc của gia chủ.
Sự khác nhau giữa ông Thần Tài và ông Địa cũng rất dễ nhận ra. Ông Thần Tài là vị thần giúp trông coi và đem lại nhiều tiền bạc, may mắn về mặt kinh tế cho gia đình, ông thường xuất hiện với hình ảnh một ông già râu trắng bạc phơ, tay cầm vàng thỏi và có nụ cười hiền hậu.
Ông Địa thường xuất hiện với hình ảnh à một ông lão với chiếc bụng to, tay cầm quạt mo, ông sẽ giúp người dân canh giữ đất đai, ruộng vườn và nhà cửa.
Ông Địa ông Thần Tài được biết đến như tín ngưỡng không thể thiếu đặc biệt với những người kinh doanh, buôn bán. Phong tục thờ cúng ông Thần Tài, Thổ Địa được diễn ra vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hoặc mùng 10 hằng tháng.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)