Theo truyền thuyết dân gian, ông Ba Bị thường được miêu tả là một người đàn ông cao lớn, đen đúa, xấu xí, chuyên đi bắt cóc trẻ em nghịch ngợm bỏ vào bị và đem đi, khiến chúng không còn được ở gần bố mẹ nữa. Một số dị bản khác còn kể rằng, vào thời kỳ mất mùa, những kẻ gian thường tụ tập thành nhóm sáu người, hai người vác chung một chiếc bị cói lớn, chuyên đi bắt cóc trẻ em bán lấy tiền. Vì vậy, chúng được gọi là "Ba Bị", với mỗi cái bị có ba quai, cả nhóm sáu người được gọi là "9 quai, 12 con mắt". Chúng thường lảng vảng ở các làng ven biển, rình rập bắt những đứa trẻ lang thang một mình, sau đó tẩu thoát bằng thuyền.
"Ông Ba Bị" hóa ra là nhân vật có thật trong lịch sử(Ảnh minh hoạ)
Thực tế, "ông Ba Bị" trong lịch sử lại là một nhân vật có thật, đó chính là ông Phạm Đăng Hưng, một vị quan thanh liêm, từng giữ chức Lễ Bộ Thượng Thư dưới triều vua Gia Long. Ông là cha của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, và là ông ngoại của vua Tự Đức. Bà Từ Dũ là một vị hoàng thái hậu nổi tiếng đức độ, yêu thương dân chúng, được biết đến là người phụ nữ quyền lực duy nhất sống qua 10 đời vua triều Nguyễn.
Vua Tự Đức là cháu ngoại của ông Phạm Đăng Hưng (Ảnh minh hoạ)
Theo ghi chép trong sách "Hương Giang cố sự" của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, ông Phạm Đăng Hưng là người Gò Công (Nam Bộ), có thân hình cao lớn, bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Ông nổi tiếng là người quang minh chính trực, liêm khiết trong suốt thời gian làm quan dưới triều Gia Long và Minh Mạng.
Ông Phạm Đăng Hưng nổi tiếng là một vị quan thương dân. Vào thời Gia Long, khi thiên tai, hạn hán liên tiếp xảy ra, ông đang giữ chức Điền Tuần Quan. Ông thường mang theo ba bị hạt ngũ cốc để phát cho dân nghèo, hướng dẫn họ cách trồng trọt. Những gia đình quá nghèo khó, ông còn mang gạo đến giúp đỡ. Ông cũng thẳng tay trừng trị những quan tham ô, gian thương bóc lột dân chúng. Vì vậy, những người dân lương thiện vô cùng cảm mến ông, còn những kẻ xấu thì run sợ mỗi khi nghe thấy danh tiếng của ông. Có lẽ, hình tượng "ông Ba Bị" bắt đầu xuất phát từ đây, như một lời cảnh tỉnh dành cho những kẻ làm điều gian ác.
Vậy tại sao, từ một vị quan thanh liêm, hình tượng ông Phạm Đăng Hưng lại biến thành nỗi ám ảnh của trẻ con? Theo thời gian, gốc gác về ông Ba Bị dần bị phai mờ. Dựa vào chữ "bị" trong tên gọi, nhiều người cho rằng ông là một người ăn mày. Học giả An Chi phân tích rằng, ăn xin là một "nghề" tiêu cực, không mang lại lợi ích cho xã hội, ngoại trừ việc hù dọa trẻ con. Từ đó, ông Ba Bị thanh liêm ngày nào đã trở thành ông Ba Bị ăn xin chuyên dọa nạt trẻ con.
(Ảnh minh hoạ)
Hình dáng quái dị của ông Ba Bị có lẽ xuất phát từ câu đồng dao "Ba bị, chín quai, mười hai con mắt". Câu đồng dao này vốn dùng để đếm số lượng đồ vật, trong đó "quai" là quai bị, "mắt" là mắt bị, tức là những lỗ hở đều đặn trên các đồ đan. Ba cái bị, mỗi bị có ba quai và bốn con mắt, nên ta có "Ba bị, chín quai, mười hai con mắt". Tuy nhiên, nhiều người đã hiểu nhầm "ba bị" là ông Ba Bị, "quai" là quai hàm, "mắt" là con mắt người. Với số lượng "chín quai", "mười hai mắt" người ta hình dung ông Ba Bị là một quái vật gớm ghiếc, dù thực tế ông chẳng liên quan gì đến câu đồng dao này.
Như vậy, do hiện tượng tam sao thất bản, hình tượng ông Ba Bị đã trải qua quá trình biến đổi từ một vị quan thanh liêm, được dân chúng kính trọng, thành một nhân vật đáng sợ, chuyên dùng để dọa nạt trẻ con.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)