Lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân được hình thành trong quá trình lịch sử. Ý nghĩa của lễ hội nhằm tôn vinh những "hình tượng thiêng", những vị thần, những người có công lao với đất nước, với cộng đồng, để củng cố điểm tựa tâm linh và khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi người.
Là một quốc gia văn minh lúa nước, lễ hội truyền thống của Việt Nam diễn ra chủ yếu vào mùa xuân khi nhà nông nhàn rỗi, và người dân có nhu cầu tâm linh cầu một năm mới tốt lành. Đa số lễ hội diễn ra trong phạm vi làng xã, bên cạnh đó có những lễ hội mang tính khu vực như Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Gióng (Hà Nội), Đền Trần (Nam Định), lễ hội Óc Om Bóc (Sóc Trăng)... và có lễ hội mang tính quốc gia như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang). Có lễ hội diễn ra trong một vài ngày, có lễ hội diễn ra hàng tháng như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)... Ngày nay, lễ hội rất đa dạng.
Sau nghi lễ là phần hội. Đây là dịp để người dân hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, đồng thời giao lưu nhằm cố kết cộng đồng.
Hiện tại cả nước hiện có 8.868 lễ hội theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trong đó Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất. Trong năm 2024, thành phố Hà Nội có khoảng hơn 1.500 lễ hội được tổ chức.
Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội lớn nhất.
Một số lễ hội lớn tại đây thu hút đông đảo khách thập phương tham gia như: Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Láng, Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)...
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)