Vùng đất được được mệnh danh 'nơi rồng đáp'
Đó là vịnh Hạ Long nằm ở phía Tây vịnh Bắc Bộ, thuộc địa phận TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vịnh được ví như "kỳ quan đá dựng giữa trời cao" hay "nơi rồng đáp xuống" với cảnh quan mê hoặc của hệ thống núi đá vôi đan xen cùng biển xanh mênh mông. Nơi đây đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được mệnh danh là "nơi rồng đáp".
Từ xa xưa những kiến tạo địa chất đã tạo nên Vịnh Hạ Long. Trong tâm thức của người dân từ thời rất xa xưa với trí tưởng tượng phong phú và những ý niệm về cội nguồn cong Rồng cháu Tiên và một số truyền thuyết khác lại cho rằng khi người Việt cổ mới lập nước đã bị giặc xâm chiếm Ngọc Hoàng đã sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng tới hạ giới.
Đàn Rồng này ngay lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, bên cạnh đó đã nhả châu ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ vụn, chặn đứng bước tiến của bọn giặc xâm lược.
Sau khi giặc đã tan, nhận thấy cảnh đẹp thanh bình, thiên nhiên tươi tốt người dân nơi này lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau. Rồng mẹ và Rồng con đã không quay trở lại trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận đấu để luôn luôn bảo vệ những người dân đất Việt.
Vị trí Rồng mẹ hạ phàm chính là Hạ Long – nơi Rồng con đáp xuống là Bái Tử Long và nơi đuôi rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ.
Đối với tên Hạ Long đã được thay đổi qua nhiều thời kì lịch sử khác nhau, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu và Lục Hải. Tại thời kì Lý, Trần, Lê vịnh lại mang tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hoặc Lục Thủy. Đối với tên Hạ Long (mang ý nghĩa rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kì XIX.
Quy hoạch phát triển Hạ Long
Theo Đồ án Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vịnh Hạ Long giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển đô thị của thành phố.
Theo đó, TP. Hạ Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322km2, được chia thành 5 vùng phát triển: vùng vịnh Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng vịnh Cửa Lục và vùng đồi núi phía Bắc. Để hiện thực hóa các định hướng này, thành phố đã triển khai 15 quy hoạch phân khu, dựa trên tiềm năng và thế mạnh riêng của từng khu vực.
Khu vực phía tây TP. Hạ Long.
Mục tiêu của TP. Hạ Long đến năm 2040 là trở thành đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia và quốc tế, gắn với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thành phố hướng tới phát triển bền vững theo mô hình đô thị thông minh, xanh, linh hoạt và thích ứng. Đồng thời, Hạ Long sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn của đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ với các đô thị trong vùng nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)