Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Duẩn, xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã đem lại nguồn thu lớn.
Anh cho biết: "Trước khi bắt tay vào nuôi thủy sản, tôi đã dành thời gian tìm hiểu những giống cá phù hợp nuôi trên sông, cho giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng như: trắm, chép giòn, cá lăng.
Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm.
Mô hình nuôi các loại cá lồng như trắm, chép giòn, cá lăng giúp người nông dân thu tiền tỷ (Ảnh minh họa).
Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh và người nuôi nắm vững kỹ thuật, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ lồng nuôi thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Năm 2024, với 24 lồng cá trắm, chép giòn, gia đình anh Duẩn đã thu về 4 tỷ đồng.
Đối với ông Nguyễn Văn Phương, xã Vũ Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nuôi cá theo mô hình ao bán nổi cũng là một trong những hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế.
Nhiều năm qua, mô hình này đã giúp ông Phương làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông chia sẻ: Năm 2017, tôi bắt đầu nuôi cá trong ao bán nổi, gồm 1 ao cá thương phẩm, 6 ao nuôi cá giống. Tôi nhập cá bột với nhiều loại kích cỡ khác nhau để nuôi và bán tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Ưu điểm nổi bật của mô hình là không cần đào ao, chỉ tạo bờ trên mặt ruộng rồi trải bạt chống xói lở.
Do đó, không làm mất đi điều kiện trồng lúa trở lại, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất.
Bình quân mỗi năm, tôi bán trên 27 tấn cá thương phẩm và cá giống, thu về hơn 500 triệu đồng, hiệu quả gấp 5 lần so với mô hình nuôi thủy sản truyền thống.
(Ảnh minh họa)
Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt là rõ rệt, không chỉ thuận lợi trong khai thác, thu hoạch, vệ sinh, cải tạo ao mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí lao động thường xuyên, không gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhiều hộ dân đã tập trung đầu tư vốn, công sức và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh tập trung, quy mô trang trại.
Đến nay, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt toàn tỉnh đạt gần 8.940ha, trong đó diện tích nuôi kết hợp với trồng lúa trong ao bán nổi đạt hơn 300ha. Toàn tỉnh hiện có 706 lồng nuôi cá trên sông và 2.152 bè nuôi hàu.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)