Có câu "Trẻ cậy cha, già cậy con", với ý nghĩa là con cái khi còn bé thì được cha mẹ nuôi nấng bảo vệ, đến lúc cha mẹ già yếu thì sẽ có con cái để nương tựa. Nhiều ông bà lớn tuổi phàn nàn rằng họ đã dành hết thanh xuân đời người để nuôi dạy và chăm sóc các con nhưng khi về già họ không nhận được sự tôn trọng từ các con trai, con gái của mình. Ở tuổi gần đất xa trời, thay vì hưởng thụ họ chỉ mang nỗi cô đơn tuổi già khóc với những năm tháng đã qua.
Giáo dục về sự biết ơn và lòng hiếu thảo đòi hỏi cha mẹ chúng ta phải dành nhiều thời gian và sức lực để kiên nhẫn đủ nhiều. Bên cạnh đó, nó cũng đòi hỏi cha mẹ phải là những nhân chứng sống, làm gương tốt cho con cái noi theo.
Nếu là 1 trong 4 kiểu bố mẹ dưới đây thì nên sửa lại vì có thể bạn đang nuôi dưỡng đứa trẻ bất hiếu, về già khó trông cậy:
Bố mẹ bất hiếu, ích kỷ với chính ông bà của các con mình
Có một câu chuyện nhỏ trong "Truyện cổ Grimm" được kể như thế này.
Một gia đình nọ bỏ rơi người cha già của mình. Ông lão sống ở đống tro của bếp lò, được cho một cái bát gỗ nhỏ dùng để đựng thức ăn thừa mà các con ông bố thí mỗi ngày. Tình cảnh thật đáng thương. Một ngày nọ, người đàn ông trong gia đình phát hiện con trai mình đang đẽo gọt một thứ gì đó. Anh ta theo dõi xem thì thấy con mình đang làm ra một cái bát gỗ nhỏ giống hệt như cái mà cha già của mình đang dùng. Anh ta hỏi con trai sẽ làm gì với nói thì cậu bé đáp: "Cái này sẽ dành cho bố và mẹ sau này, giống như cái bát ông nội có hiện giờ vậy”. Lúc này anh ta mới ngớ người nhận ra rằng hóa ra hành vi của anh đã khắc họa lên cậu con trai. Rồi mai sau, tương lai của anh cũng chẳng khác người cha già yếu là bao.
Gương của cha phản ánh tư cách con. Cha mẹ sống thảo hiếu với ông bà, chắc chắn con cái cũng sẽ nhìn đó để đối xử với ba mẹ mình trong tương lai và ngược lại. Trẻ con như tờ giấy trắng. Hành vi tốt xấu của bố mẹ đều sẽ được in hết lên tờ trắng ấy. Do đó nếu bố mẹ bất hiếu sẽ sinh con bất hiếu. Bố mẹ thảo kính sẽ nhận lại trái ngọt hiếu thảo.
Quá nuông chiều và đáp ứng mọi nhu cầu của con
Bố mẹ Pew rất bận rộn. Họ gởi Pew cho ông bà chăm sóc. Được cháu kề cận ngày đêm, ông bà thường nuông chiều, có thể làm theo mọi điều mà Pew yêu cầu. Vì vậy, Pew vô cùng hài lòng với cách chăm sóc tận tình của ông bà. Thời gian trôi qua, Pew càng được bảo bọc và nuông chiều hơn.
Một hôm, ông hứa với Pew sẽ nấu món cá om vào bữa ăn tối. Thế nhưng cả ngày hôm đó ông tìm khắp chợ vẫn không có cá tươi. Đến lúc tan học, đứa cháu về, thấy nhà dọn cơm không có món như ông đã hứa, Pew liền nổi giận, khóc lóc và làm ầm lên. Đến khi ông dỗ dành, xin lỗi thì cậu bé hất tay ông ra, khiến ông ngã nhào xuống đất.
Không có gì ngạc nhiên khi ai đó từng nói rằng nếu bạn muốn hủy hoại một đứa trẻ, hãy chiều chuộng nó nhiều như bạn muốn.
Những đứa trẻ được chiều chuộng lớn lên sẽ không bao giờ hiểu được sự vất vả của ông bà, cha mẹ. Chúng cũng không hiểu khó khăn của người trực tiếp chăm sóc mình. Khi vào đời, chúng sẽ sống với sự ích kỷ và vô ơn của cá nhân, đồng thời trả giá cho những sai lầm của mình.
Nhường nhịn mọi thứ tốt nhất cho con
Một lần, Mai đến nhà bạn chơi. Người bạn dọn cơm mời. Khi bát đũa sẵn sàng, người bạn này gắp một miếng đùi gà cho vào bát mình và một cho vào bát của con gái. Mai cảm thấy khó xử, định gắp đùi gà nhường lại cho bạn nhưng bị can ngăn: “Cậu là khách đương nhiên mình đãi. Còn con mình nhỏ, đương nhiên là cần bồi dưỡng. Đừng khách sáo!”
Cứ tưởng cô bé sẽ vô tư ăn nhưng thật ngạc nhiên, nó gặp ngược lại đùi gà của mình vào bát của mẹ, rồi nói: “Mẹ ăn đi. Mẹ đã làm việc vất vả quá rồi. Có rất nhiều thức ăn trên bàn, con thấy chúng rất ngon”.
Sau bữa ăn, Mai cứ nghĩ mãi về buổi gặp gỡ này và cách dạy con của bạn mình.
Tại sao cha mẹ cứ phải làm mọi thứ cho con mình mà không sẵn sàng trả hậu hĩnh một chút cho bản thân? Cũng may con của người bạn hiểu chuyện nhưng nếu đứa trẻ không hiểu chuyện sẽ thế nào?
Nếu trẻ em lớn lên mà quen với những hiện tượng "khập khiễng" như vậy, đứa trẻ sao có thể sống với lòng biết ơn. Muốn đứa trẻ trân trọng những gì chúng có, chúng cần phải nhín thấy được sự khó khăn của cha mẹ.
Miệng thường đổ lỗi
Muốn một đứa trẻ biết thế nào là lòng biết ơn và quan tâm đến đấng sinh dưỡng, cha mẹ không nên để những lời này xuất hiện trên môi miệng:
“Bố mẹ vì tụi con mà phải làm việc vất vả, con có thấy không?”
“Vì tụi con mà bố mẹ không thể mua sắm được gì cho bản thân”
Nuôi dưỡng ý thức về lòng biết ơn của trẻ em nên bắt đầu từ các chi tiết và mẩu chuyện nhỏ của cuộc sống, thay vì sử dụng những từ ngữ đổ lỗi vô cớ để đứa trẻ cảm thấy mình có lỗi và dần xa cách với cha mẹ. Tình cảm nhạt dần trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ khiến đứa trẻ không còn động lực để báo hiếu mẹ cha.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)