Tây Bắc là vùng động đất đang hoạt động mạnh nhất của Việt Nam, tập trung ở ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Trong lich sử, chỉ tính từ năm 1900 đến nay, vùng này đã xảy ra trên 500 trận động đất, trong đó có 3 trận lớn hơn 5,0 độ richter, hai trận động đất lớn nhất cả nước là 6,75 độ richter/10 (Điện Biên), 6,8/10 (Tuần Giáo), với cường độ rung chấn cấp VIII/XII, rủi ro thiên tai cấp 4/5, gây thiệt hại đáng kể về nhà cửa, tài sản và con người.
Gần đây, năm 2019, tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cũng đã xảy ra 7 trận động đất, trong đó lớn nhất là 4,9. Mới đây hơn, cuối tháng 7 năm 2020, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã liên tiếp xảy ra 16 trận, trong đó có trận 5,3, lớn thứ hai sau trận 5,4 tại Cao Bằng (2019) trong vòng 4 thập kỷ qua. Các chuyên gia cảnh báo, vùng này có nguy cơ động đất mạnh tới cấp VIII, cấp IX.
Động đất tại Trùng Khánh, Cao Bằng (năm 2019) gây tình trạng sạt lở núi đá. Ảnh: Đài PTTH Trùng Khánh.
Vì sao động đất thường xảy ra ở khu vực Tây Bắc?
Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 2.2023, cơ quan chức năng Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 1 trận động đất tại huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) với độ lớn 2,7; độ sâu chấn tiêu khoảng 12km và 1 trận động đất tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với độ lớn 2,6, độ sâu chấn tiêu khoảng 12km.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Nơi đây từng ghi nhận nhiều trận động đất có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6.9 độ tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6.7 độ xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo vào năm 1983 và trận động đất mạnh 5.3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.
Tâm chấn của một trận động đất có cường độ 4,5 độ xảy ra tại tỉnh Điện Biên. Nguồn: Viện Vật lý địa cầu
Trước đó vào cuối tháng 7.2020, một trận động đất có cường độ 5.3 đã xảy ra tại huyện Mộc Châu, Sơn La gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội.
Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra. Các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất.
Theo giới chuyên gia, vùng Tây Bắc nằm trên hệ thống đứt gãy Sơn La - Điện Biên - Lai Châu nên thường xuất hiện nhiều trận động đất. Theo nghiên cứu, những trận động đất tại đây có vùng rung động phá hủy hẹp nên không gây thiệt hại đáng kể.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)