Ninh Thuận được coi là thủ phủ muối của Việt Nam với hơn 3.078 ha. Hàng năm, Ninh Thuận cung cấp 50% tổng lượng muối cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích sản xuất muối lên 3.267 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn một năm.
"Thủ phủ muối" của Việt Nam - Ninh Thuận.
Những lợi thế giúp tỉnh phát triển nghề này là đường bờ biển dài hơn 105 km, nước biển có độ mặn cao, nhiều nắng, gió, nền nhiệt độ ở mức 26-27 độ C, độ ẩm không khí từ 75-77%. Muối ở đây được đánh giá chất lượng tốt nhất cả nước nhờ hương vị đậm đà, thanh thanh đặc trưng của vùng nắng gió.
Nghề làm muối ở Ninh Thuận tập trung chủ yếu ở các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải); các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh (huyện Thuận Nam).
Để có được những hạt muối trắng ngần, những diêm dân (người làm muối) đã phải san lấp đất để tạo độ bằng phẳng, sau đó bơm nước biển trực tiếp vào rồi đợi nước biển bốc hơi khoảng 7 ngày thì mới thu hoạch được muối.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, những cánh đồng muối ở Ninh Thuận còn tạo điểm nhấn khác lạ giữa thiên nhiên rộng lớn. Một số cánh đồng muối đẹp, nổi tiếng ở đây là: đồng muối Cà Ná, đồng muối Phương Cựu, đồng muối Đầm Vua, đồng muối Quán Thẻ…
Một địa phương khác cũng có sản lượng muối rất lớn đó là Bạc Liêu. Nghề làm muối ở Bạc Liêu hình thành và phát triển cách đây hơn một thế kỷ. Nhờ đường bờ biển kéo dài hàng chục km, nơi đây đã hình thành những ruộng muối trải dài từ đoạn giáp với biển Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đến cửa biển Gành Hào, tập trung nhiều nhất ở hai xã Long Điền Đông, Long Điền Tây (huyện Đông Hải).
Hồi đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu cũng được xem là "thủ phủ muối" của Việt Nam, có sản lượng muối lớn nhất cả nước, cung cấp cho Nam Kỳ lục tỉnh cùng các nước Đông Dương.
Muối ở đây có ưu điểm không mùi, không đắng chát, không lẫn tạp chất, vị mặn đậm đà và ngọt hậu. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Cục Di sản.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)