Hiện tượng này được gọi là "thuế độc thân", ám chỉ khoản chi phí phát sinh đáng kể khi một người sống một mình, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Theo dữ liệu từ công ty bất động sản Zillow, trung bình một người độc thân ở Mỹ phải đối mặt với khoản “thuế độc thân” lên tới 19.500 USD/năm, thậm chí có thể lên đến 24.000 USD/năm (tương đương 450 - 600 triệu đồng) tùy thuộc vào khu vực và điều kiện kinh tế - xã hội. Con số này chủ yếu phát sinh từ chi phí thuê căn hộ một phòng ngủ, vốn đắt đỏ hơn rất nhiều so với việc chia sẻ tiền thuê nhà với người khác.
Alex Beene, giảng viên tài chính tại Đại học Tennessee, nhận định: "Họ dần trở thành đối tác tài chính, buộc phải dựa vào nhau hơn là mối quan hệ lãng mạn. Sống chung được xem là giải pháp giảm phí sinh hoạt".
Lạm phát khiễn nhiều người không dám chia tay vì sợ mất tiền (Ảnh minh hoạ)
Thực tế, sống chung mang lại lợi ích tài chính rõ ràng. Dữ liệu từ ứng dụng tài chính Frich cho thấy, các cặp đôi sống chung ở Manhattan, New York có thể tiết kiệm tới hơn 50.000 USD (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng) mỗi năm so với việc sống độc thân. Việc chia sẻ hóa đơn tiền thuê nhà, thực phẩm, điện, nước, internet… giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho cả hai người.
Kết quả là, nhiều người Mỹ cảm thấy mắc kẹt trong các mối quan hệ không còn hạnh phúc, chỉ vì không đủ khả năng tài chính để tự mình trang trải cuộc sống. Một cuộc khảo sát của Forbes cho thấy, 93% người độc thân cảm thấy áp lực trước “thuế độc thân”, và 1/3 số người được hỏi thừa nhận họ phải duy trì mối quan hệ lâu hơn một phần vì lợi ích tài chính.
"Thuế độc thân có thể gây ra hậu quả vượt ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định của mọi người", chuyên gia Sophie Cress nhận xét. "Tỷ lệ ngày càng tăng những người duy trì các mối quan hệ vì lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt".
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở những thành phố đắt đỏ như New York, San Francisco, hay Boston. Ngay cả những người có công việc ổn định và thu nhập tốt cũng phải đối mặt với khó khăn khi muốn mua nhà hoặc thế chấp, vì các ngân hàng và tổ chức tài chính thường ưu tiên cho các cặp vợ chồng hơn là người độc thân.
(Ảnh minh hoạ)
Các chuyên gia cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực khác của “thuế độc thân”, bao gồm cảm giác cô lập, kỳ thị xã hội và sự bất mãn trong cuộc sống. Xã hội thường có xu hướng coi trọng các mối quan hệ lãng mạn và gia đình, khiến những người độc thân cảm thấy bị thiệt thòi và không xứng đáng với hạnh phúc.
"Kết quả là những cá nhân này có thể trải qua cảm giác bất lực hoặc không xứng đáng vì chuẩn mực cho rằng hạnh phúc và sự viên mãn chủ yếu đạt được thông qua các mối quan hệ lãng mạn", bà Cress nói thêm.
Trong một thế giới mà chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, gánh nặng tài chính đặt lên vai những người độc thân ngày càng lớn. "Nhiều người tự hỏi liệu họ có đủ khả năng sống độc thân, cả về mặt tài chính lẫn tình cảm, trong một thế giới mà chi phí sinh hoạt một mình có vẻ đắt đỏ", bà Cress kết luận. Việc giải quyết vấn đề “thuế độc thân” đòi hỏi những nỗ lực từ cả phía chính phủ, các tổ chức tài chính và cộng đồng, nhằm đảm bảo một cuộc sống độc lập và hạnh phúc cho tất cả mọi người, bất kể tình trạng hôn nhân của họ.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)