Mới đây, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị. Theo đó, Quảng Ninh sẽ có ít nhất hai đặc khu hành chính, trong đó Vân Đồn và Cô Tô được xác định là những trọng điểm phát triển.
Ngày 21/4 vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Cô Tô khóa VI (nhiệm kỳ 2021-2026) đã nhất trí thông qua chủ trương thành lập Đặc khu Cô Tô. Theo phương án được phê duyệt, huyện Cô Tô hiện tại sẽ được chuyển đổi nguyên trạng thành Đặc khu Cô Tô, chấm dứt hoạt động của các đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân.
Cô Tô
Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô, đồng chí Đặng Quang Ngạn, nhấn mạnh rằng mục tiêu của việc thành lập Đặc khu Cô Tô là khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển và du lịch, đồng thời bảo tồn hệ sinh thái biển đảo quý giá. Đặc khu mới sẽ tạo ra một bước đột phá trong việc thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và nâng cao năng lực quản lý hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, nhận được sự đồng thuận cao từ cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trên đảo.
Theo phương án đã được phê duyệt, Đặc khu Cô Tô sẽ được thành lập trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính hiện tại của huyện Cô Tô, với diện tích 5.368ha và dân số 7.151 người. Tên gọi "Cô Tô" được giữ nguyên nhằm thể hiện sự trân trọng đối với giá trị lịch sử lâu đời từ năm 1889, đồng thời duy trì bản sắc văn hóa và bảo vệ thương hiệu du lịch đã được khẳng định trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Cơ cấu tổ chức chính quyền mới bao gồm Đảng bộ Đặc khu, Chính quyền Đặc khu và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo tính liên tục trong phát triển và tạo nền tảng thuận lợi để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch.
Ngoài vị trí chiến lược quan trọng trong vùng biển Đông Bắc, Cô Tô còn mang ý nghĩa lịch sử - chính trị đặc biệt. Nơi đây là địa phương duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng khi Người còn sống, một minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào và chiến sĩ nơi đảo xa.
Ngày 9/5/1961, Bác Hồ lần đầu tiên đến thăm Cô Tô và Người đã ân cần căn dặn đồng bào, chiến sĩ trên đảo: "Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ". Thể hiện lòng biết ơn và kính trọng vô hạn đối với Bác, quân dân Cô Tô đã xin phép dựng tượng Người. Được Bác đồng ý, năm 1968, tượng Bác đầu tiên bằng thạch cao đã được dựng lên nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày sinh của Người. Trải qua nhiều lần trùng tu và thay đổi chất liệu, đến năm 1996, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô đã được làm mới bằng đá granite và trở thành một biểu tượng đẹp và quy mô nhất vùng Đông Bắc.
Ngày 18/1/2022, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của quân dân Cô Tô và tỉnh Quảng Ninh mà còn là nguồn động lực tinh thần to lớn, thúc đẩy địa phương phát triển thành vùng kinh tế biển năng động, hiện đại.
Trong những năm qua, Cô Tô đã có những bước tiến vượt bậc với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt mức 15-16%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiện đại, với dịch vụ - du lịch chiếm tới 67,5%. Năm 2024, huyện đã đón hơn 310.000 lượt khách du lịch, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 135 triệu đồng, cao hơn 1,5 lần mức trung bình của tỉnh Quảng Ninh. Một thành tựu đáng tự hào khác là huyện đã xóa hoàn toàn hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh.
Với sự ra đời của Đặc khu Cô Tô, những kỳ vọng lớn đang được đặt ra. Người dân và chính quyền địa phương mong muốn Cô Tô sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển - du lịch tầm cỡ, một điểm sáng trong chiến lược phát triển biển đảo của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc khu Cô Tô sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế biển quốc gia, góp phần vào sự thịnh vượng và phồn vinh của đất nước.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)