Ninh Bình nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, nối miền Bắc và miền Trung bởi dãy Tam Điệp hùng vĩ. Cách Hà Nội 93km về phía Nam, Ninh Bình là nơi tiếp nối kinh tế, văn hóa, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với bề dày lịch sử đã để lại cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch đang được đầu tư khá đồng bộ là những nên tảng cơ bản để thu hút khách du lịch tới Ninh Bình.
Sau cách mạng tháng 8 (1945), một số tỉnh thành mang tên các danh nhân hay địa danh lịch sử thì Ninh Bình mang tên là tỉnh Hoa Lư trong một thời gian ngắn. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Ninh Bình hợp với tỉnh Nam Hà (gồm Nam Định và Hà Nam) thành tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 12 năm 1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10 quyết định tái lập tỉnh Ninh Bình trên phạm vi địa giới như trước khi hợp nhất.
Ninh Bình có 02 thành phố và 06 huyện, diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.377,57 km2, dân số 926.995 người trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường.
Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10; 12A; 12B và đường sắt Bắc - Nam chạy qua cùng hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, sông Vân,...tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao lưu, phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Ninh Bình có hai dân tộc chính là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Hiện nay, có trên 2 vạn người Mường sống xen kẽ với người Kinh, tập trung chủ yếu ở các xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Quảng Lạc, Phú Long, Yên Quang, Xích Thổ, Thạch Bình và Văn Phương thuộc huyện Nho Quan.
Thành phố Ninh Bình
Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan vô cùng đặc sắc và đa dạng, là vùng đất ken dày các di tích lịch sử. Đến nay toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích, trong đó có 80 di tích đã được xếp hạng quốc gia.
Ninh Bình cũng là nơi có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, với nhiều “nhân kiệt” tài ba, bất hủ như: Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Trương Hán Siêu… Ninh Bình là một trong số rất hiếm các tỉnh trên cả nước hội tụ nhiều lợi thế trong phát triển du lịch với nguồn tài nguyên du lịch rất đặc sắc và đa dạng, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Tuy là một tỉnh không lớn nhưng Ninh Bình có địa hình rất đa dạng: có núi, đồng bằng, vùng ven biển mang đầy đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch, nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, Vườn Chim Thung Nham, Thung Nắng, động Thiên Hà, vùng ven biển Kim Sơn, các suối nước khoáng nóng… Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh đẹp, Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.821 di tích lịch sử đã được xếp hạng. Nơi đây là mảnh đất thiêng, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam tồn tại 42 năm (từ năm 968-1010) gắn liền với ba vương triều: Ðinh, tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Hiện Ninh Bình sở hữu những di sản văn hóa - lịch sử rất có giá trị, là nguồn tài sản vô giá, tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, đền thờ Đức Thánh Nguyễn, đền Thái Vi...
Ninh Bình có tiềm năng lớn về văn hóa và du lịch
Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn nhiều những giá trị phi vật thể nổi tiếng, như những áng thơ văn, những lễ hội, những làn điệu chèo, hát văn, hát xẩm và văn hóa ẩm thực... Ninh Bình có đến 260 lễ hội, nhiều lễ hội đặc sắc được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến như: lễ hội Hoa Lư (được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia), lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Tràng An, lễ hội Đền Thái Vi... Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát hát Xẩm, hát Chèo và của nhiều làng nghề truyền thống như: nghề điêu khắc đá Ninh Vân, gốm sứ Bồ Bát, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề chiếu cói Kim Sơn... Với phong tục, tập quán văn hoá truyền thống lâu đời đã tạo nên nét độc đáo, hẫp dẫn đặc biệt trong văn hoá ẩm thực Ninh Bình với nhiều món ăn nổi tiếng như: Thịt Dê, Cơm Cháy, Rượu Kim Sơn, Nem Yên Mạc, Mắm Tép Gia Viễn, Bún Mọc Kim Sơn…
Những thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa lâu đời và những món ăn ngon của vùng đất địa linh nhân kiệt này chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)