Thường niên vào ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) các gia đình Việt thường làm cơm cúng và tiễn đưa ông Công ông Táo về trời. Trong những ngày lễ này, các gia chủ thường chuẩn bị lễ vật để dâng lên ông Công, ông Táo.
Dù cúng ông Công ông Táo được xem là tục lệ bao đời nhưng không phải gia đình nào cũng nắm được chính xác quy trình và phong tục lễ truyền thống.
Dưới đây là những điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo mà các gia chủ nhất định phải tránh để không bị mất tài lộc của cả năm:
Không nên cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (âm lịch)
Vào khoảnh khắc 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, các vị Thần Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo Ngọc hoàng. Chính bởi vậy mà nghi lễ cúng ông Công ông Táo được quy định cần phải tiến hành trước khoảng thời gian này. Nếu như bạn cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, ý nghĩa của ngày này sẽ không còn trọn vẹn, các ông Táo đã bay về trời mà chưa được gia chủ báo cáo, thể hiện lòng thành kính.
Trong ngày cúng lễ ông Công ông Táo, thời gian đúng chuẩn phong thuỷ nhất để bày lễ kéo dài từ 9h sáng tới 12h trưa. Tuy nhiên, với một số gia đình không có điều kiện về thời gian, có thể thực hiện nghi lễ cúng này vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp. Đó là lưu ý quan trọng dành cho gia đình bạn khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo sắp tới đây, ngay trước thềm Tết nguyên đán.
Những món kiêng dâng cúng
Về cỗ cúng ông Công, ông Táo thì tùy thuộc vào điều kiện, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác.
Tuy nhiên, có một số loại thịt cần kiêng không đem cúng như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó...
Khi cúng lễ, không nên cầu xin quá nhiều
Trên thực tế, rất nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của ngày cúng ông Công ông Táo mà bày tỏ nguyện vọng của mình một cách quá “tham lam”. Như đã nói, ngày lễ cúng này để tiễn các vị thần về chầu trời, các vị Táo quân canh giữ cuộc sống của gia đình trong năm qua sẽ tâu với Ngọc Hoàng về những chuyện tốt – xấu của gia chủ chứ không đề cập đến vấn đề tài lộc. Chính bởi vậy khi cầu khấn trong nghi lễ bạn nên tránh xin tài lộc để tránh làm phật lòng các vị thần linh.
Đặt mâm lễ tùy tiện
Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có 1 mâm lễ nữa ở ban thờ chính, bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà. Cúng ông Công ông Táo thì phải chú ý điều này.
Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.
Ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh.
Không thả cá vàng từ trên cao
Tín ngưỡng phóng sinh cá vàng trong ngày cúng lễ ông Công ông Táo đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hầu hết các gia đình đều mua cá vàng còn sống để cúng và thả xuống sông hồ với mong muốn các vị Táo quân có phương tiện để bay về trời.
Tuy mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng khi thực hiện tục thả cá này, có rất nhiều người thực hiện hành động phản cảm khi thả cá từ trên cao xuống khiến cá bị chết. Điều này thực sự không nên và bạn cũng nên tránh khi muốn thể hiện lòng thành kính của mình với các vị thần linh một cách trọn vẹn nhất. Để làm lễ phóng sinh cá vàng, bạn nên tìm những nơi có nguồn nước sạch, nhẹ nhàng thả cá và để chúng tự bơi ra xa.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)