Kỳ thi tốt nghiệp THPT chốt thi 4 môn
Ngày 8/2, Thông tư 24/2024 do Bộ GD-ĐT ban hành quy định quy chế thi tốt nghiệp THPT, sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo Thông tư 24, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Kỳ thi được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn với 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
Quy chế cũng nêu rõ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Tại Quy chế mới, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Chốt 3 môn thi vào lớp 10, chỉ xét tuyển vào lớp 6
Cũng từ ngày 14/2, Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ có hiệu lực.
Thông tư 30 nêu rõ phương thức tuyển sinh THCS theo hình thức xét tuyển; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chốt 3 môn, trong đó hai môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và một môn tự chọn do Sở GD-ĐT quyết định.
Như vậy học sinh không phải thi tuyển vào lớp 6 như mọi năm và các địa phương tổ chức thi vào 10 chỉ sử dụng 3 môn.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Thông tư 30 quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD-ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp.
Thông tư 30 cũng quy định tuyển sinh vào lớp 6 hằng năm chỉ tuyển sinh 1 lần. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có nhiều tỉnh, thành phố môn thi thứ 3 vào lớp 10, đa số đều là môn tiếng Anh.
Giáo viên dạy thêm ngoài trường phải đăng ký kinh doanh
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Một trong những điểm mới là quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với những em đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp; giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thông tư mới quy định, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: Học sinh yếu kém; học sinh giỏi, học sinh ôn thi cuối cấp.
Đặc biệt, điểm mới đáng lưu ý trong thông tư mới này là bất cứ giáo viên nào dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần phải công khai thông tin về danh sách giáo viên dạy thêm, mức tiền, thời gian, thời lượng… trước khi tuyển sinh.
Thanh tra giáo dục với nhiều nội dung
Ngày 31/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 28 quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ ngày 10/2.
Trong đó thông tư quy định về thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, nội dung thanh tra gồm ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định thanh tra công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí…
Thông tư cũng quy định nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, tuyển sinh đối với THCS- THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học về công tác tổ chức và quản lý kỳ thi; coi thi; chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp; chỉ tiêu tuyển sinh; xây dựng và công bố đề án tuyển sinh; điều kiện bảo đảm cho công tác xét tuyển; thanh tra việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển…
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)