Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, môi trường nhà tù thường gắn liền với hình ảnh lạnh lẽo và tăm tối. Nhưng một nhà tù ở Thụy Sĩ thì khác, họ sơn phòng giam bằng màu hồng nhạt, với hy vọng hạn chế hành vi bạo lực của các tù nhân thông qua ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Mặc dù phương pháp này còn gây tranh cãi nhưng nhiều nước châu Âu đã áp dụng biện pháp tương tự trong những năm gần đây. Vậy cách làm này có thực sự hiệu quả?
Màu sắc môi trường có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của con người, ví dụ, màu đỏ có thể khơi dậy cảm giác thèm ăn trong khi màu xanh lam lại hạn chế cảm giác ngon miệng... Vì vậy, một số nhà hàng sẽ tránh sử dụng đồ trang trí và bộ đồ ăn màu xanh lam. Trong khi đó, màu hồng thường gắn liền với cảm giác hạnh phúc và lòng trắc ẩn. Một số học giả tin rằng màu hồng có thể xoa dịu những cảm xúc tiêu cực. Đây cũng là lý do một số nhà tù thử nghiệm biện pháp sơn phòng giam màu hồng.
Màu hồng thường được gắn liền với tâm trạng tích cực
Một nhà nghiên cứu tên là Alexander Schauss lần đầu tiên đề xuất việc sử dụng màu hồng để trấn an tù nhân, ông cũng đã tiến hành các thí nghiệm vào cuối những năm 1970 để chứng minh ảnh hưởng của màu sắc đối với hành vi của con người.
Alexander đã từng thực hiện một nghiên cứu, trong đó ông yêu cầu đối tượng nam mở rộng cánh tay và nhìn chằm chằm vào tấm áp phích màu hồng rực rỡ. Kết quả là những người khác có thể dễ dàng ấn cánh tay của đối tượng xuống, trong khi nếu đối tượng nhìn chằm chằm vào tấm áp phích màu xanh lam thì lực cánh tay vẫn giữ nguyên. Nghiên cứu này cũng có nhiều tranh cãi, nhưng nó vẫn thu hút rất nhiều sự chú ý.
Các sĩ quan hải quân Gene Baker và Ron Miller đã sử dụng phương pháp này để sơn màu hồng cho phòng giam của căn cứ hải quân, người ta nói rằng hành vi của tù nhân cũng đã thay đổi. Màu hồng này được gọi là "Baker-Miller Pink" và được sử dụng bởi nhiều trung tâm giam giữ tù nhân trong những năm 1980. Tuy nhiên, nhiều thí nghiệm về màu sắc hơn sau đó đã chứng minh rằng "Baker-Miller Pink" thực sự không có tác dụng làm dịu tâm trạng.
Màu hồng đậm dày đặc của tông "Baker-Miller Pink" được cho là khiến tâm trạng tù nhân còn tệ hơn
Sau này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng "Beckmiller Pink" thậm chí có khả năng khiến tù nhân bạo lực hơn. Vào năm 2011, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Daniela Späth đã thử nghiệm với một màu hồng nhẹ nhàng hơn là "Cool Down Pink". Màu hồng này được sử dụng trong 10 phòng giam trên khắp Thụy Sĩ. Theo báo cáo của các nhân viên nhà tù trong 4 năm qua, so với các phòng giam thông thường, hành vi bạo lực của các tù nhân trong phòng giam màu hồng đã giảm đáng kể và tinh thần của họ cũng thoải mái hơn.
Các nhà tù sau này đã dùng tông màu dịu và hài hòa hơn
Phương pháp này vẫn có những tranh cãi nhất định, bởi có những tù nhân chia sẻ họ cảm thấy không thoải mái khi ở trong căn phòng tựa như phòng ngủ của một bé gái. Tuy vậy có luồng quan điểm cho rằng đây chỉ là do định kiến về giới tính xưa nay gắn với màu hồng, không ảnh hưởng đến tác dụng thực tế của phương pháp này.
Minh Tâm (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)