Một số Hoàng đế đã xây dựng lăng tẩm ngay từ khi mới kế vị và dành nhiều thập kỷ để hoàn thiện hoàng lăng sao cho xứng tầm với địa vị cao quý của mình.
Sau khi Hoàng đế băng hà, một số lượng lớn đồ dùng bằng vàng bạc và châu báu quý giá sẽ được chôn cất trong hoàng lăng. Để tránh việc trộm mộ hoàng thất, một số người sẽ được cử đến canh giữ trong những lăng tẩm này. Cùng với sự thay đổi của các triều đại, nhiều lăng mộ hoàng đế đã bị tàn phá, mất trộm, người canh giữ lăng tẩm cũng biến mất, chỉ có nhà Thanh dù đã suy tàn 111 năm nhưng lăng tẩm vẫn có người canh giữ.
Hệ thống Lăng mộ của Hoàng đế nhà Thanh
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc. Giống như các triều đại trước đó, các vị vua nhà Thanh rất coi trọng nơi yên nghỉ ngàn thu, nên rất cầu kỳ khi chọn nơi chôn cất. Đó phải là những nơi tương xứng với địa vị, quyền lực của họ, và phải là nơi có phong thủy tốt nhất.
Lăng mộ của các Hoàng đế và thê thiếp của nhà Thanh được chia thành Lăng Đông và Lăng Tây. Thanh Đông Lăng là nơi yên nghỉ của 5 vị hoàng đế nhà Thanh gồm Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong và Đồng Trị cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa. So với Thanh Tây Lăng thì Thanh Đông Lăng có diện tích rộng lớn và là công trình xây dựng lăng tẩm cổ lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc.
Đều là lăng mộ của hoàng đế nhà Thanh, tại sao quy mô của hai lăng mộ phía Đông nhà Thanh và phía Tây lăng mộ nhà Thanh lại khác nhau như vậy? Nguyên nhân là do có sự khác biệt lớn về ý định xây dựng lăng ban đầu.
Trước khi quy hoạch, Lăng Đông được xây dựng theo quy mô của lăng mộ hoàng gia triều đại Mãn Thanh. Sau khi chính quyền Mãn Thanh bị lật đổ, Hoàng đế Thuận Trị là người đầu tiên được chôn cất tại Đông Thanh Lăng, và sau ông là Hoàng đế Khang Hy cũng được an táng tại đây.
Lăng Tây Thanh được xây dựng vì Hoàng đế Ung Chính phải chọn một địa điểm khác để xây lăng mộ cho mình. Một số người suy đoán rằng là do Ung Chính Đế lên ngôi đầy bất chính khi chiếm đoạt ngai vàng bằng cách loại bỏ huynh đệ của ông nên việc Ung Chính Đế chọn cho mình một khu mộ tách biệt là vì cảm thấy tội lỗi với tổ tiên và đặc biệt là với cha mình là Khang Hy. Có nghĩa là, Lăng Tây Thanh ban đầu chỉ được xây dựng làm lăng mộ cá nhân của Hoàng đế Ung Chính. Khi Càn Long đăng cơ đến khi quyết định chọn chỗ lăng mộ của mình, ông đã quyết định lại về Thanh Đông Lăng, và ra chiếu chỉ các Hoàng đế đời sau nên an táng xen kẽ giữa Thanh Đông Lăng và Thanh Tây Lăng. Thời nhà Thanh chỉ có 4 vị Hoàng đế là Ung Chính, Gia Khánh, Đạo Quang, Quang Tự; 3 vị hoàng hậu, 7 cung phi, Hoàng tử và Công chúa; tổng cộng 76 người được an táng tại Thanh Tây Lăng. Mặc dù, Thanh Tây Lăng cũng đã được tu sửa nhưng quy mô của nó không thể so với Thanh Lăng Đông.
Lăng Đông của triều đại nhà Thanh nằm ở Tuân Hóa, Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, được xây dựng vào năm Thuận Trị thứ 18 và hoàn thành vào năm Quang Tự thứ 34. Sau nhiều năm chiến tranh và quy hoạch, khu vực Đông Lăng mộ hiện nay của nhà Thanh có diện tích khoảng 80 km vuông.
Người canh giữ lăng mộ hoàng gia
Trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình và tiểu thuyết trên mạng, chúng ta thường thấy cảnh các hoàng thân, quý tộc bị giáng chức làm nhiệm vụ canh giữ lăng tẩm. Người canh giữ lăng tẩm rất đặc biệt, họ không cần hầu hạ ai cũng không cần nộp thuế hà khắc, chỉ cần canh giữ lăng tẩm đến hết đời.
Từ thời Tần Thủy Hoàng đã có những người canh giữ lăng mộ. Trước thời nhà Đường, địa vị của những người canh giữ lăng mộ khá thấp kém, ngang như dân thường. Đa số đều là những kẻ có tội, phạm sai lầm mà bị chuyển vào canh giữ lăng, nhưng bản sắc của nó được củng cố, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vào thời nhà Thanh, để bảo vệ sự an toàn của lăng tẩm, một hệ thống đặc biệt được xây dựng để quản lý lăng tẩm. Những người đến canh lăng mộ cũng được tuyển chọn kỹ càng, người được chọn sẽ được hưởng đãi ngộ cao. Sau khi được chọn, về cơ bản họ được coi là quan viên thất phẩm (cấp bảy), được chu cấp toàn bộ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Ngoài mức lương tương ứng, họ còn được cấp nhà, cấp đất. Vào những năm thịnh vượng, số lượng lính canh của một hoàng lăng có thể lên tới 3.000 người, đủ để tạo thành một đội quân nhỏ.
Hệ thống này tiếp tục duy trì cho đến cuối thời nhà Thanh. Sau khi nhà Thanh sụp đổ, những người trông coi lăng mộ phải tìm đến nhà cầm quyền mới, Chính phủ Quốc dân khi ấy đã quyết định tiếp tục duy trì hoạt động này, và thậm chí còn hứa rằng những người bảo vệ lăng mộ hoàng gia nhà Thanh sẽ được đối xử tốt.
Tuy nhiên, sau khi chiến tranh bùng nổ, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã không thể giữ được lời hứa. Những người canh giữ lăng mộ bị mất nguồn thu nhập và cuộc sống của họ bị sa sút nghiêm trọng. Các lính canh không còn nghiêm ngặt như trước, một tên mộ tặc tên là Tôn Điện Anh đã lợi dụng cơ hội này đột nhập vào lăng mộ của hoàng đế nhà Thanh để trộm vàng bạc châu báu.
Cuối cùng khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, để bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Thanh Đông Lăng, chính phủ mới đã đảm nhận trách nhiệm chăm sóc lăng mộ. Vậy là việc canh giữ Thanh Đông lăng vẫn được tiếp tục duy trì trong hơn một trăm năm biến động của lịch sử. Những người bảo vệ lăng mộ của hoàng gia sẽ được nhà nước cấp quỹ đặc biệt để hỗ trợ.
Với sự phát triển của thời đại, ngành du lịch được mở rộng, để thúc đẩy kinh tế phát triển, chính phủ cũng đã mở cửa một phần Lăng mộ Hoàng đế nhà Thanh và biến nơi đây trở thành điểm thu hút khách du lịch. Những người dân gần khu vực lăng mộ cũng được hưởng lợi, một trong số họ sẽ nhận trách nhiệm trông coi, dọn dẹp và bảo dưỡng nơi đây.
Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng khách du lịch tới tham quan ngày càng đông, khu thắng cảnh Hoàng Lăng cũng dần xuống cấp, chỉ dựa vào sự duy trì của cư dân địa phương là không đủ mà cần các nhân viên chuyên nghiệp đến hỗ trợ.
Một số người có nhiệm vụ duy trì cơ sở hạ tầng của lăng mộ Hoàng đế nhà Thanh, một số sẽ làm nhiệm vụ trùng tu, sửa chữa các di tích văn hóa và một số sẽ có vai trò như hướng dẫn viên du lịch, giải thích lịch sử của các di tích văn hóa cho khách tham quan và chính phủ sẽ trả lương thường xuyên cho họ. Ở đây, những nhân viên này sẽ đóng vai trò là những người bảo vệ các lăng mộ trong thời đại mới. Khác với những người lính canh giữ lăng mộ trong xã hội phong kiến là bảo vệ phẩm giá của hoàng tộc và sự nghiêm trang của hoàng gia sau khi chết, thì nhiệm vụ của những nhân viên này là canh giữ những kho tàng văn hóa do lịch sử để lại.
Phương Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)