Theo Điều 44 của Nghị định 96/2016, quy định về an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách, bao gồm CCCD, Chứng minh thư nhân dân (CMND), hộ chiếu, thẻ thường trú hoặc tạm trú (đối với người nước ngoài), hoặc các loại giấy tờ có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp. Sau khi kiểm tra, cơ sở lưu trú phải ghi đầy đủ thông tin của khách vào sổ quản lý hoặc nhập vào máy tính trước khi cho khách nhận phòng.
Nhà nghỉ, khách sạn không được phép giữ CCCD của khách (Ảnh minh hoạ)
Như vậy, theo quy định hiện hành, nhà nghỉ, khách sạn chỉ được phép kiểm tra CCCD của khách để lấy thông tin và ghi vào sổ quản lý, chứ không có quyền giữ lại CCCD của khách. Việc giữ CCCD của khách là hành vi trái quy định pháp luật và bị nghiêm cấm.
Điều 7 của Luật Căn cước công dân cũng khẳng định hành vi thu giữ thẻ CCCD trái quy định là vi phạm pháp luật. Nghị định 144/2021 còn quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng CMND, CCCD hoặc giấy xác nhận số CMND của người khác.
(Ảnh minh hoạ)
Luật Căn cước công dân năm 2014 (Điều 28) cũng quy định rõ, CCCD chỉ bị tạm giữ trong hai trường hợp: người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, hoặc người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù. Thẩm quyền tạm giữ CCCD thuộc về cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, hoặc thi hành quyết định đưa vào các cơ sở giáo dục bắt buộc.
Trong thời gian bị tạm giữ, công dân vẫn có thể được cơ quan tạm giữ cho phép sử dụng CCCD để thực hiện giao dịch theo quy định. Khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt, hoặc quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, công dân sẽ được trả lại CCCD.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)