Thách cưới là gì?
Thách cưới là nghi thức trong văn hóa truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ về việc cưới hỏi của người Việt Nam. Thông thường, lễ vật sẽ do nhà gái yêu cầu và nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ. Theo phong tục dân gian, thường lễ vật sẽ là trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo, đồ trang sức, y phục cho cô dâu và tiền mặt.
Đây vốn là một phong tục rất đẹp và giàu tính nhân văn. Theo đó, khoản thách cười này coi như món quà để tỏ lòng cám ơn về công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu từ nhà trai đến nhà gái.
Nhà gái thường thách cưới và yêu cầu nhà trai phải chuẩn bị đủ (Ảnh minh họa)
Khi nào thách cưới được coi là vi phạm?
Tuy nhiên, ngày nay, nét đẹp truyền thông này đang dần bị biến tướng với việc đòi hỏi, thách cưới quá cao và có thể bị coi là một trong các biểu hiện của hành vi yêu sách của cải trong kết hôn bởi các căn cứ sau đây:
- Tại phụ lục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng được quy định tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP, thì hành vi thách cưới cao được hiểu là hành vi đòi hỏi yêu sách về của cải, mang tính chất gả bán như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché…, vượt quá khả năng của nhà trai để dẫn cưới.
- Tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 cũng giải thích, yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện.
Đây cũng là một trong các hành vi bị cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tự nguyện, tiến bộ được quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên.
Do đó, nếu việc thách cưới trong đám cưới chỉ như một phong tục mà không phải biểu hiện của việc đòi hỏi về tiền bạc, vật chất, vượt quá khả năng của nhà trai… thì sẽ không phải hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Ngược lại, hành vi thách cưới quá cao có thể vi phạm một trong các điều cấm trong hôn nhân và gia đình theo pháp luật Việt Nam.
Thách cưới quá cao bị phạt như thế nào?
Hành vi yêu sách của cải trong kết hôn mà cụ thể là thách cưới quá cao nhằm yêu sách của cải trong kết hôn là một trong những hành vi bị cấm trong hôn nhân. Nó không chỉ cản trở việc tự nguyện kết hôn của các cặp đôi nam nữ mà còn làm xấu đi nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt xưa.
Theo đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, người nào cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Mức phạt này đã tăng mạnh so với quy định trước đây tại Nghị định 167/2023/NĐ-CP bởi trước đây mức phạt cho hành vi này chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng nếu yeu sách của cải nhằm cản trở người khác kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Ngoài ra, nếu nặng hơn, đủ dấu hiệu cấu thành Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Theo đó, nếu người nào đưa ra yêu sách về của cải trong kết hôn, đã bị xử phạt hành chính rồi mà vẫn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)