Lễ cúng cô hồn là gì?
Lễ cúng cô hồn được hiểu là một nghi lễ cúng cho các linh hồn chết oan, sống lang thang không nơi để nương tựa, những linh hồn chưa được siêu thoát vẫn còn đang vất vưởng trên thế gian. Đây được xem là một nghi thức có từ rất lâu đời và gắn liền với nên văn hóa thờ cúng của người Việt.
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và người Đông Nam Á nói chung, con người có 2 phần là phần xác và phần hồn. Khi sống hồn và xác hòa hợp lại làm một, nhưng khi chết đi thì hồn sẽ rời xác. Phần xác sẽ bị phân hủy đi, còn phần hồn luôn tồn tại. Trong đó có người đã được đầu thai sang kiếp khác, có người lại bị đẩy xuống hoả ngục, thậm chí là phải làm quỷ đói và quấy nhiễu trên dương thế.
Cúng cô hồn có nguồn gốc bắt nguồn từ nước Trung Quốc. Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc cho rằng từ mùng 2 của tháng 7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở ra Quỷ Môn Quan để cho các ma quỷ đói được trở lại trần gian. Đến ngày 15 tháng 7 thì đóng cửa nên những vong hồn ma quỷ phải trở lại địa ngục.
Lễ cúng cô hồn mang những ý nghĩa an ủi phần nào cho các linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi để nương tựa, không người để thờ phụng. Để họ được hưởng hương hoa, đồ thờ cúng khi còn ở trần gian. Bên cạnh đó nghi thức khi cúng cô hồn còn nhằm xua đi những vận hạn, đẩy những điều xui xẻo, mang về bình an về cho bản thân và gia đình gia chủ.
Mâm cúng chúng sinh cô hồn Rằm tháng 7 gồm những gì?
Cúng chúng sinh là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong ngày Rằm tháng 7. Dân gian cho rằng vào dịp Rằm tháng 7 thì mọi tội nhân, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục sẽ được dịp ra khỏi âm phủ để lên dương gian. Nhân dịp này các gia đình làm lễ dâng hương, cúng các đồ hàng mã cho vong linh người thân của gia đình mình.
Đặc biệt, người ta cũng không quên cúng các vong linh “không nơi nương tựa” hay còn gọi là các “cô hồn” chết vì lý do nào đó mà không có mồ mả, lang thang, vất vưởng, lẩn khuất đầu đường, xó chợ.
Cúng chúng sinh được thực hiện cuối cùng theo thứ tự cúng từ trong nhà ra ngoài trời trong ngày Rằm tháng 7, sau lễ cúng gia thần, cúng gia tiên.
Do quan niệm chúng sinh, cô hồn quanh năm đói khát nên lễ vật cúng phải đơn giản, dễ ăn dễ nuốt. Mâm cúng chúng sinh thường gồm các lễ vật: cháo trắng, muối và gạo, tiền mặt, nước lọc, khoai, sắn, ngô luộc, bánh kẹo, bỏng, oản, hoa quả, nến, nhang. Ngoài ra, một số người còn chuẩn bị thêm đồ mã cúng cô hồn.
Hai điều cần tuyệt đối tránh trong lễ cúng cô hồn
• Không cúng cô hồn trong nhà
Điều này cực kỳ quan trọng. Cúng thí thực - kể cả Rằm tháng 7, tháng 8, hay mùng 1 và rằm khác, lễ động thổ, cất nóc, tân gia… đều tuyệt đối không cúng chúng sinh trong phần đất nhà mình. Hãy rải bạt xuống đất, ngoài địa giới đất nhà mình rồi bày đồ cúng lên đó. Lưu ý nhất định phải là phần đất bên ngoài nhà mình. Cúng thí thực là để cho những oán linh, vong linh bơ vơ, nếu làm lễ cúng này trong nhà thì không khác gì mời cô hồn vào nhà. Vong tốt thì nương nhờ gia chủ, vong xấu thì đeo bám gia chủ, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng, và người dân thì không sao biết được đâu là vong tốt, đâu là vong xấu.
• Không đọc tên tuổi địa chỉ cúng vong
Vong có thiện vong và tà vong, cho nên văn khấn cúng cô hồn không nên khấn hay ghi tên tuổi địa chỉ gia đình. Các thầy cúng chuyên nghiệp đều biết việc này. Người dân tự khấn vái ở nhà càng tuyệt đối không đọc tên tuổi địa chỉ nhà ở.
Ngoài ra cũng cần lưu ý một số điều sau:
• Khi cúng xá tội vong nhân ngoài trời mặc trang phục nghiêm chỉnh. Tránh mặc màu u ám (như đen toàn bộ, xám toàn bộ).
• Không để phụ nữ có thai, người già yếu (trên 60 tuổi) tham gia lễ cúng. Phong thủy cho rằng ngoài 60 tuổi là đã qua 1 vòng hoa giáp, dương khí có xu hướng xuống, nên vui lòng không ở gần mâm cúng cô hồn khi đã lên hương, bởi lúc đó nhiều oán linh, cô hồn tới tranh ăn sẽ ảnh hưởng tới nhân khí yếu ớt của người già.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)