Bà Towana Looney (53 tuổi) bị suy thận trong suốt 8 năm trước khi quyết định thực hiện ca phẫu thuật đột phá này. Giống như các bệnh nhân khác từng ghép thận hoặc tim lợn, đây là hy vọng cuối cùng của bà sau nhiều năm chờ đợi nội tạng hiến tặng từ con người nhưng không thành công.
Điều trớ trêu là vào năm 1999, chính bà Looney đã từng hiến một bên thận cho mẹ. Nhưng sau đó, khi mang thai, bà gặp biến chứng nghiêm trọng, dẫn đến cao huyết áp và cuối cùng là suy thận. Từ tháng 12/2016, bà phải lọc máu tuần 3 lần, mỗi lần 4 giờ để duy trì sự sống.
Dù đã có tên trong danh sách chờ ghép thận từ năm 2017, nhưng vì cơ thể có mức kháng thể quá cao, bà gần như không thể tìm được thận phù hợp.
Cuối năm 2024, theo chương trình Sử dụng Nhân đạo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), bà Looney đã được phê duyệt để ghép một quả thận lợn chỉnh sửa gen.
Towana Looney được đưa vào phòng phẫu thuật
Ngày 25/11/2024, bà Looney chính thức trở thành người thứ 3 trên thế giới được ghép thận lợn. Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ tại Trung tâm Y khoa Đại học New York Langone đã thành công, đưa quả thận lợn vào cơ thể bà Looney.
Sau 11 ngày, vào 6/12/2024, bà xuất viện và được chuyển đến một căn hộ gần bệnh viện để theo dõi. Trong 3 tháng đầu tiên, bà cần đến bệnh viện kiểm tra hàng ngày để theo dõi phản ứng miễn dịch. Các bác sĩ cho biết, bà có thể sẽ cần điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để tránh đào thải thận.
Tiến sĩ Montgomery chia sẻ: "Không ai biết quả thận này có thể hoạt động bao lâu. Chúng tôi hy vọng nó sẽ tồn tại lâu dài, nhưng đây vẫn là một lĩnh vực chưa được khám phá hết".
Bà Towana Looney sau khi được cấy ghép thận lợn
Trước đây, chưa bệnh nhân nào sống quá hai tháng. Ca ghép thận lợn đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào tháng 3/2024 tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, cho bệnh nhân Richard Slayman (62 tuổi) - người bị suy thận giai đoạn cuối do tiểu đường và cao huyết áp. Thận lợn trong ca này được chỉnh sửa 69 điểm gen bởi công ty công nghệ sinh học eGenesis. Bác sĩ từng dự đoán quả thận có thể hoạt động ít nhất hai năm. Tuy nhiên, chỉ sau 48 ngày, vào 11/5/2024, ông Slayman đột ngột qua đời. Nguyên nhân cái chết chưa được công bố, nhưng bệnh viện khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy liên quan đến ghép thận.
Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc Viện Nghiên cứu Cấy ghép của Đại học New York Langone, người thực hiện ca phẫu thuật, hào hứng cho biết: "Cô ấy hồi phục rất tốt. Nếu bạn gặp cô ấy trên đường, bạn sẽ không nghĩ đây là người duy nhất trên thế giới đang sống với một quả thận lợn hoạt động bình thường".
Sự hồi phục mạnh mẽ của bà Towana Looney là động lực tinh thần cho nỗ lực biến ca ghép tạng từ động vật sang người thành hiện thực.
Tính đến ngày 30/1/2025, bà Looney đã sống 67 ngày với một quả thận lợn được chỉnh sửa gen, chính thức trở thành bệnh nhân ghép nội tạng động vật có thời gian sống sót lâu nhất trong lịch sử.
"Tôi đã đi bộ rất nhiều, có những ngày đi tới 10 dãy phố. Trước khi ghép thận, tôi luôn mệt mỏi, buồn nôn, không có sức ăn uống. Nhưng bây giờ, tôi thấy đói mỗi giờ" - Towana Looney chia sẻ. Sau khi xuất viện, Looney đã tận hưởng cuộc sống bằng cách đi dạo, mua sắm và khám phá Manhattan.
Ghép nội tạng từ động vật sang người (xenotransplantation) là một lĩnh vực mới trong y học, với hy vọng giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng hiến tặng. Tuy nhiên, trước đây, các ca ghép tim và thận từ lợn sang người đều không thành công lâu dài, do bệnh nhân không thể sống quá hai tháng sau phẫu thuật.
Các chuyên gia y tế đang liên tục nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục những rủi ro trong quá trình ghép nội tạng động vật vào cơ thể người. Việc nghiên cứu và thử nghiệm ghép nội tạng động vật vẫn đang tiếp tục với hy vọng mở ra cơ hội sống cho hàng triệu bệnh nhân suy tạng trên toàn thế giới.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)