Bà cho biết, tính đến tháng 2/2025, bà đã có 29 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Như vậy, nếu nghỉ việc trong năm 2025, bà sẽ có đủ 30 năm đóng BHXH. Tuy nhiên, bà thuộc trường hợp còn trên 10 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại phụ lục I ban hành kèm Nghị định số 135. Câu hỏi đặt ra là liệu bà có thể nhận lương hưu khi đã đóng BHXH đủ 30 năm, hay phải chờ đến năm 60 tuổi?
Người ở tuổi 49, nghỉ việc có được nhận lương hưu không? (Ảnh minh hoạ)
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Trọng Dần (Đoàn luật sư TP.HCM).
Theo quy định tại điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sửa đổi bởi điểm c, khoản 1, điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 thì điều kiện hưởng lương hưu của người lao động khi đủ điều kiện như sau:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, điều 169 của Bộ luật Lao động.
- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Luật sư Dần khẳng định, dựa trên thông tin độc giả cung cấp, bà đã đáp ứng điều kiện về số năm đóng BHXH. Tuy nhiên, cần xem xét quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2, điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đang được điều chỉnh theo lộ trình, đến khi đạt 62 tuổi đối với nam (vào năm 2028) và 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035).
(Ảnh minh hoạ)
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.
Do độc giả sinh tháng 11/1976 và hiện tại 49 tuổi, Luật sư Dần kết luận, nếu bà nghỉ việc trong năm 2025, bà chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Do đó, bà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hiện hành.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)