Cây hoa giấy là cây leo, phát triển nhanh nên thường được trồng vừa làm cảnh, vừa làm giàn che nắng. Để cây hoa giấy phát triển khỏe nhất thì cây cần được trồng ở những nơi có nhiều nắng bởi loại cây này cần ít nhất 6 giờ ánh nắng mỗi ngày. Đất trồng cũng cần tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt. Ngoài ra, để cây hoa giấy nở đẹp hơn cũng cần có mẹo.
Đó là, sau khi hoa giấy ra nụ phải cắt tỉa bớt lá. Là bởi, khi còn có lá, dinh dưỡng của cây hoa giấy sẽ được sử dụng cho việc phát triển bộ lá thay vì phát triển hệ hoa. Đó là lý do tại sao sau khi hoa giấy ra nụ nên cắt tỉa bớt lá, kinh nghiệm quý của những người làm vườn lâu năm.
Đối với hoa giấy, đến thời kỳ đó, bạn chỉ cần hạn chế tưới nước là cây sẽ tự động rụng lá để bảo vệ hệ nước, giảm thiểu sự thoát hơi nước qua lá. Thế nhưng nếu lá không rụng hết, bạn nên chủ động tuốt, ngắt bỏ lá để tập trung chất dinh dưỡng vào nuôi và phân hóa hoa. Nên duy trì hoạt động này cho đến ngày hoa nở rộ
Cũng không cần loại bỏ hết lá mà chỉ bỏ những lá già có màu xanh đậm, lá vàng, lá sâu hay lá mọc um tùm ở phía dưới. Còn những lá còn non có màu xanh nhạt hay phớt đỏ thì không nên ngắt bỏ.
Ngoài ra, bạn nên tiến hành cắt tỉa lá vào buổi chiều, trời mát mẻ. Không cắt tỉa cây khi trời nắng gắt vì sẽ làm cây héo, mất nước. Cũng không nên tỉa vào những ngày trời mưa, âm u vì sẽ dễ làm cây nhiễm nấm bệnh.
Từ đợt ra hoa lần trước đến đợt ra hoa tiếp theo, bạn cần phải cắt tỉa những cành không thích hợp và bỏ bớt lá. Nếu bạn cung cấp đủ ánh sáng, đủ phân bón, chăm sóc đúng cách thì cây sẽ ra hoa rực rỡ quanh năm.
Những cách chăm sóc dưới đây sẽ giúp cây hoa giấy nhà bạn nở rộ:
- Sau mỗi đợt hoa giấy ra hoa, bạn cần đồng thời cắt tỉa thu gọn tán và bón bổ sung phân hữu cơ đã hoai mục như phân bò, phân trùn quế, phân dơi, bánh dầu, phân Dynamic…
- Giai đoạn sinh trưởng (khi cây ra tán lá mới), cần bón phân vô cơ hoặc phun phân bón lá.
- Khi cây sinh trưởng, đâm chồi ra lá (khoảng 2 – 3 tháng), cây đã đủ sức cho một đợt hoa mới. Thời điểm này, bạn cần bổ sung các loại phân bón có hàm lượng kali hoặc photpho cao, chia làm 2 đợt và tưới nước đầy đủ để cây hấp thu phân tốt nhất. Thời gian bón từ 10 – 15 ngày.
- Giai đoạn xử lý: Bắt đầu hạn chế nước tưới, dần tiến tới việc ngừng tưới nước, giúp cây chuyển sang giai đoạn phân hóa mầm hoa (giai đoạn sinh thực). Đây là giai đoạn quan trọng quyết định cây hoa giấy ra hoa có nhiều và đồng đều hay không.
Trường hợp hoa giấy được trồng trực tiếp dưới đất thì có thể không tưới nước trong 3 - 5 ngày. Với cây trồng chậu, cần theo dõi hàng ngày, nếu quá khô thì phải tưới sơ qua để duy trì độ ẩm và không để cây quá héo, dễ làm nụ bị rụng. Thời gian cắt nước từ 5 - 7 ngày, sau đó tưới nước lại với lượng vừa đủ, không quá nhiều.
- Khi cây hoa giấy bắt đầu có lá mới chụm nhỏ lại, lá non mới mọc có màu hơi sậm, thân cây xuất hiện chồi nhỏ, đó là cây đã chuyển sang giai đoạn ra nụ ra hoa.
Để giúp cây ra hoa với màu sắt tươi tắn, lâu tàn, bạn nên phun bổ sung vitamin B1 và phân dưỡng hoa định kỳ một lần mỗi tuần, đồng thời duy trì tưới nước vừa đủ, không để cây thiếu nước vì sẽ gây rụng chồi hoa. Nên tưới nước cho cây vào buổi sáng sớm (giai đoạn dưỡng hoa).
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)