Phải chăng, đó là “khí” - thứ năng lượng âm thầm phản ánh phúc phần hay nghiệp lực mà một con người mang theo?
Dưới góc nhìn tâm linh, nhân tướng học từ lâu đã coi gương mặt là tấm gương phản chiếu nội tâm. Phúc hay nghiệp không phải là thứ vô hình, mà có thể hiển lộ qua từng đường nét, từng ánh mắt, thần sắc, thậm chí là biểu cảm tự nhiên trên gương mặt mỗi người.
Trán tối, sắc diện âm trầm là dấu hiệu người có nhiều nghiệp
Nghiệp có thể hóa giải bằng việc làm thiện (Ảnh minh họa)
Người xưa có câu: "Thiên đình sáng là người có phúc, thiên đình tối là người mang nghiệp". "Thiên đình" ở đây chính là vầng trán - khu vực đầu tiên đón ánh sáng, cũng là nơi thể hiện trí tuệ và khí chất.
Những người có trán cao rộng, da trán sáng sủa, ít nếp nhăn thường là người có tư duy minh bạch, sống tích cực, nhân hậu tức là người có phúc khí. Khi họ xuất hiện, không khí xung quanh như nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.
Trái lại, người mang nhiều nghiệp chướng thường có vầng trán xám xịt, tối màu, da thiếu sức sống. Một số người có các nếp nhăn sâu, chia đoạn rõ rệt được cho là biểu hiện của nội tâm hỗn loạn, vận mệnh trắc trở. Những người này thường không gây thiện cảm, dù họ không hề làm gì sai. Bởi như cổ nhân từng nói: "Người có nghiệp nặng, đến đâu cũng khiến người khác thấy bất an".
Đôi mắt vô thần biểu hiện của tâm nhiều vọng tưởng
(Ảnh minh họa)
Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, phản chiếu rõ nét nội tâm sâu kín nhất. Người hiền lương, tích đức thường có ánh mắt trong sáng, dịu hiền, dễ tạo lòng tin.
Ngược lại, ánh mắt vô thần, mờ đục, thiếu sinh khí lại là dấu hiệu của người sống ích kỷ, chứa nhiều oán hận hoặc luôn bị chi phối bởi những tham vọng tiêu cực. Người có ánh mắt liếc ngang liếc dọc, ánh nhìn dữ dội hoặc quá trốn tránh, tất cả đều nói lên nội tâm bất an, thiếu quân bình.
Tướng học phương Đông cho rằng: "Tâm không chính thì mắt không yên. Mắt không yên thì tướng phá, phúc bạc". Cũng như một chiếc gương nứt, ánh nhìn ấy thường tạo cảm giác nặng nề, khó gần với người đối diện.
Khóe miệng cụp xuống do khẩu nghiệp tạo thành tướng
Miệng không chỉ để nói mà còn thể hiện rõ "khẩu đức" của mỗi người. Người thường nói điều thiện, tỏa lòng nhân ái, sẽ có miệng đầy đặn, sắc môi hồng hào, khóe miệng hơi cong lên tạo cảm giác vui vẻ, thiện lương.
(Ảnh minh họa)
Ngược lại, người hay nói lời ác, gieo thị phi, khẩu nghiệp nặng nề thường có môi mỏng, sắc môi xám xịt, khóe miệng cụp xuống hoặc lệch lạc. Những đặc điểm này khiến họ luôn mang nét u uất, dù không hề lên tiếng. Dân gian vẫn hay nhắc: "Họa từ miệng mà ra", khẩu nghiệp không chỉ gây hại cho người khác mà còn tích tụ thành nghiệp, in hằn lên chính gương mặt mình.
Cuộc sống là dòng chảy của nhân - quả. Nghiệp lực hay phúc phần đều không phải bẩm sinh hoàn toàn, mà chính hành vi, suy nghĩ, lời nói hằng ngày góp phần tạo nên.
Nếu một ngày nào đó, bạn nhìn vào gương và nhận ra trán mình tối lại, ánh mắt trở nên lạnh lẽo, khóe miệng chẳng còn nét vui, hãy đừng vội sợ hãi. Điều ấy không phải để kết luận bạn là người xấu, mà là lời nhắc: đã đến lúc cần thanh lọc lại tâm mình.
Nghiệp có thể hóa giải bằng việc làm thiện. Phúc có thể tích lũy từ từng điều tốt nhỏ nhặt. Khi bạn bắt đầu sống ngay thẳng, nói lời dễ nghe, làm việc chân thành, khí chất sẽ đổi, gương mặt sẽ sáng, và những điều tốt lành sẽ dần tìm đến.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)