Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã mở rộng thêm các chế độ trợ cấp để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, trong đó có cả chế độ cho người không có lương hưu.
Bên cạnh trợ cấp hưu trí xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội mới được thông qua cũng quy định thêm nhóm được hưởng trợ cấp khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội vừa được thông qua hướng đến xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo đó, Luật mới đã bổ sung một chương về trợ cấp hưu trí xã hội. Chương này quy định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam từ 75 tuổi trở lên, không nhận lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc công dân Việt Nam từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định) và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội định kỳ 3 năm/lần.
Quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ do HĐND cùng cấp quyết định, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội.
Người hưởng trợ cấp được đóng bảo hiểm y tế và nhận hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Điều kiện để người không có lương hưu dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, đối với người đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định nêu trên nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.
Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
(Ảnh minh họa)
Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.
Mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng một lần trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện.
Người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Người muốn hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; Văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hằng tháng.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Ảnh minh họa)
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, mà có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành), để hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Luật mới cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam, và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Mức tối đa là 75%.
Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng, và trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ Bảo hiểm xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động. Qua đó, sẽ thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng bảo hiểm y tế khi về già.
Tường San (TH) (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)