Steve Adcock nghỉ hưu sớm vào năm 2016, khi đó anh mới bước qua tuổi 35. Vào thời điểm đó, anh đã tiết kiệm được 900.000 đô la và trong vòng vài năm sau đó đã có thể tích lũy ược khối tài sản ròng trị giá 1 triệu USD.
Vị chuyên gia này chia sẻ một yếu tố quan trọng trong thành công của mình không phải là những lời khuyên mà anh nhận được, mà là những lời khuyên anh đã bỏ qua. Anh cho rằng mình đã xây dựng sự giàu có theo cách “cổ điển” - đó là làm việc thật chăm chỉ, đặt kết hoạch chi tiêu, quản lý tài chính theo các mục tiêu rõ ràng.
Dưới đây là 7 quan điểm tiền bạc không phổ biến đã giúp Steve nghỉ hưu sớm với tư cách là một triệu phú.
Trung thành với một công ty sẽ không thể giúp bạn trở nên giàu có
Không chuyển việc thường xuyên đồng nghĩa bạn không tận dụng được cơ hội và quyền lợi của mình để kiếm thêm tiền. Tìm kiếm vị trí mới ở một công ty khác là một trong những cách tốt nhất để bạn được tăng lương đáng kể, theo Steve.
Steve chia sẻ đã chuyển việc 5 lần trong suốt 14 năm sự nghiệp và lương của anh tăng 15 - 20% mỗi lần chuyển việc. Rõ ràng, con số này cao hơn nhiều tỷ lệ lạm phát.
Hầu hết các triệu phú đều tự lập
Một báo cáo năm 2022 từ công ty nghiên cứu Ramsey Solutions cho thấy 74% thế hệ trẻ tin rằng các triệu phú được thừa hưởng tiền từ gia đình của họ. Tuy nhiên, Steve cho biết nhiều triệu phú mà anh biết đều tự mình xây dựng nên khối tài sản của họ. Chính điều này đã mang lại động lực lớn hơn cho anh.
Trên thực tế, trong số 10.000 triệu phú mà Ramsey Solutions đã khảo sát, 79% không nhận được bất kỳ khoản thừa kế nào. Thay vào đó, hầu hết họ trở nên giàu có nhờ “đầu tư nhất quán, tránh vay nợ và chi tiêu thông minh”.
Người bạn đời có thể gây tổn hại đến tài chính của bạn
Nhiều người bạn của Steve kết hôn khi còn trẻ, ở độ tuổi đầu đến giữa 20. Và cho đến giờ thì vấn đề lớn nhất mà đa số họ gặp phải với mối quan hệ vợ chồng của mình đó là về tiền bạc, như thói quen chi tiêu trái ngược hoặc không muốn có những cuộc trò chuyện về tiền bạc.
Trong khi đó, Steve đã đợi mãi cho tới khi tìm được một người bạn đời thực sự phù hợp với anh, có chung quan điểm về các giá trị tài chính thì mới tiến tới hôn nhân. Quyết định này được anh mô tả như quyết định chính xác nhất của cuộc đời mình.
Hiện tại, vợ anh luôn hỗ trợ, động viên và thấu hiểu anh trong mọi quyết định đầu tư hay chi tiêu cho cuộc sống.
Không cần phải làm thêm 24/7
Để trở nên giàu có, bạn không cần thiết phải làm việc liên tục 24/7. Thay vào đó, hãy dành sự ưu tiên cả cho những hoạt động như ngủ nghỉ, tập thể thao, ăn uống lành mạnh để giúp cơ thể phục hồi và chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo.
Steve Adcock chia sẻ bí quyết rằng mình luôn đặt ưu tiên về sức khoẻ lên hàng đầu. Kết quả là anh luôn khoẻ mạnh, vui vẻ để ngày càng làm việc năng suất hơn, sáng tạo hơn.
Xuất thân nghèo khó không có nghĩa là bạn không thể trở nên giàu có
Steve Adcock sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thu nhập thấp, ông nội anh là một mục sư sư và hầu như gia sản cũng không có gì đáng kể. Bố của anh cũng thừa hưởng các thói quen từ ông nội và khi bắt đầu đi làm, ông cũng chỉ kiếm đủ để chi tiêu. May mắn thay, sau đó, ông đã nhận ra những thói quen xấu trong chi tiêu của cha mình và dạy lại điều đó cho Steve Adcock.
Steve được dạy rằng việc tiêu xài thông qua thẻ tín dụng sẽ chỉ làm tình hình tài chính của bản thân trở nên ngày càng bấp bênh. Anh cũng được cha mình dạy rằng kể cả khi làm những công việc lương thấp, bạn vẫn có thể trở nên giàu có nếu biết tiết kiệm và chi tiêu đúng cách.
Bằng cấp danh giá không đảm bảo sự giàu có
Mặc dù bằng cấp của bạn có thể giúp bạn đặt chân vào đúng cánh cửa, nhưng chính những gì bạn làm sau khi tốt nghiệp mới tạo nên sự khác biệt thực sự. Steve xây dựng một quỹ khẩn cấp và đầu tư ít nhất 10% thu nhập từ rất sớm. Trong những năm qua, điều đó giúp anh có một cuộc sống nghỉ hưu thoải mái.
Lời khuyên tốt nhất của Steve là hãy thử lựa chọn học các trường không quá nổi tiếng, học phí rẻ hơn. Sau đó tận dụng các mối quan hệ với các cựu sinh viên và tìm kiếm cơ hội việc làm từ họ.
Đam mê không giúp bạn trang trải cuộc sống
Những người nhân vật giàu có và nổi tiếng thường chia sẻ rằng để thành công, hãy theo đuổi đam mê của mình. Nhưng thực tế điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Hầu hết chúng ta sẽ có thể kiếm tiền dễ dàng hơn từ các thế mạnh của bản thân chứ không phải từ đam mê. Sự đam mê của chúng ta thường mang tính sáng tạo và thực sự rất khó để kiếm nhiều tiền từ các công việc mang tính sáng tạo.
Ví dụ như Steve Adcock có sở thích chụp ảnh, nhưng anh chọn nghề nghiệp cho mình là phát triển phần mềm bởi anh giỏi ở mảng này. Thực sự thì mức thu nhập của anh trong 2 công việc này khác nhau một trời một vực. Anh lựa chọn làm việc theo thế mạnh của bản thân thay vì theo đam mê, để đến khi tích luỹ đủ để nghỉ hưu thì dành thời gian theo đuổi đam mê của mình.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)