Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tại Khoản 2, Điều 2, Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định giờ làm việc hành chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là khoảng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định, công bố công khai để giải quyết các công việc hành chính của cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định về thời giờ làm việc của pháp luật về lao động.
Theo khoản 10, Điều 27, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ như sau:
- Người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT, phải thông báo trước cho người bệnh; thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.
Ảnh minh họa.
Như vậy, khi khám bệnh vào ngày thứ 7, chủ nhật đối với các bệnh viện có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ thì người có BHYT vẫn sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT.
Đối với các bệnh viện không tổ chức khám chữa bệnh vào thứ bảy, chủ nhật thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh của BHYT trong trường hợp cấp cứu tại khoản 4, Điều 11, Thông tư 40/2015/TT-BYT.
Việc cho phép thanh toán BHYT cho các trường hợp khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ tại các cơ sở y tế có tổ chức khám BHYT vào thời gian này là một quy định rất hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Điều này giúp người lao động có thể tiếp cận dịch vụ y tế mà không bị ảnh hưởng đến công việc trong ngày thường, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện vào các ngày trong tuần.
Từ 1/6, chính thức dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy Theo Công văn số 168/BHXH-QLT của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, kể từ ngày 1/6/2025, cơ quan BHXH sẽ ngừng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy. Thay vào đó, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT điện tử thông qua ứng dụng VssID hoặc VNeID khi đi khám, chữa bệnh. Cụ thể, từ thời điểm trên, đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, cán bộ BHXH sẽ trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT điện tử trên các nền tảng này để thay thế cho thẻ giấy. Để đảm bảo quyền lợi và không bị gián đoạn khi đi khám, chữa bệnh, BHXH Việt Nam khuyến nghị người dân thực hiện các bước sau: Cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh để có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy. Liên kết thông tin BHYT với Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip để đảm bảo dữ liệu được đồng bộ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt – như người không sử dụng điện thoại thông minh hoặc không có CCCD gắn chip – cơ quan BHXH vẫn sẽ xem xét cấp thẻ BHYT giấy. Quy định này nằm trong chương trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa quy trình và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT. |
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)