Điều 59 của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 nhấn mạnh rằng người điều khiển phương tiện giao thông phải đảm bảo điều kiện sức khỏe phù hợp với loại xe mà họ được phép điều khiển. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe là bắt buộc khi đăng ký thi sát hạch lái xe.
Điều kiện nào người bị khuyết tật một bàn tay được phép lái xe? (Ảnh minh họa)
Các tiêu chuẩn sức khỏe chi tiết được quy định cụ thể tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 36/2024 của Bộ Y tế. Văn bản này liệt kê các tiêu chuẩn về sức khỏe thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ - xương khớp, nội tiết và các chất hướng thần, nhằm đảm bảo người lái xe có đủ khả năng điều khiển phương tiện an toàn.
Đặc biệt, trong chuyên khoa cơ - xương khớp, Thông tư 36/2024 quy định rõ các tình trạng bệnh, tật không đủ điều kiện để lái xe theo từng hạng xe. Cụ thể, đối với hạng xe A1, B1 và xe máy chuyên dùng, người bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chi còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) sẽ không đủ điều kiện. Tương tự, quy định này cũng áp dụng cho hạng xe A và B.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là người bị cụt một bàn tay nhưng tay còn lại hoàn toàn lành lặn và thực hiện được đầy đủ chức năng vẫn được cấp giấy phép lái xe hạng A1, B1 và xe máy chuyên dùng. Điều này có nghĩa là nếu người khuyết tật một tay chứng minh được khả năng điều khiển xe an toàn, họ vẫn có quyền tham gia giao thông.
Người có giấy phép lái xe hạng A1 được phép điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW. Trong khi đó, người có giấy phép hạng B1 được phép điều khiển xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)