Shark Bình ví von: "Những câu chuyện thành công chủ yếu mang tính truyền cảm hứng. Nhưng các bài học từ thất bại mới thực sự đóng vai trò dẫn đường, chỉ ra điều gì không nên làm, chứ không chỉ nói nên làm gì".
Để minh chứng cho quan điểm của mình, Shark Bình đã dẫn câu chuyện kinh điển về "nghịch lý kẻ sống sót" trong Thế chiến II. Khi các máy bay chiến đấu trở về căn cứ với đầy vết đạn trên thân và cánh, nhiều người đã đề xuất gia cố những khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự lại có một góc nhìn khác. Họ cho rằng, việc máy bay vẫn có thể bay về được sau khi trúng đạn ở những vị trí đó chứng tỏ chúng không phải là điểm yếu chí mạng. Thay vào đó, những chiếc máy bay không trở về có thể đã bị bắn trúng vào các bộ phận quan trọng khác, những vị trí mà máy bay sống sót không bị tổn thương. Vì vậy, việc gia cố nên tập trung vào những khu vực không có vết đạn, bởi đó mới là những điểm yếu thực sự.
Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech
"Câu chuyện này cho thấy, nếu chúng ta chỉ nhìn vào người thành công, tức là những 'chiếc máy bay trở về' mà bỏ qua những người thất bại, những 'máy bay đã mất tích', có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá và ra quyết định", Shark Bình phân tích.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, con đường dẫn đến thành công không hề thiếu những người đi trước đã từng vấp ngã. Thay vì chỉ hỏi "Anh đã thành công như thế nào?", chúng ta nên chủ động tìm hiểu về những thất bại mà họ đã trải qua. Theo Shark Bình, những bài học từ thất bại thường cụ thể và thực tế hơn, giúp thế hệ sau tránh được những "cái bẫy" ngầm, những điểm yếu tiềm ẩn mà đôi khi hào quang của thành công che mờ.
"Đường đến thành công có thể nhìn thấy rõ, nhưng nó đầy những ngã rẽ sai và khúc quanh nguy hiểm. Chỉ khi hiểu được mình có thể vấp ở đâu, chúng ta mới có cơ hội đi xa hơn", Chủ tịch NextTech khẳng định.
Ông cũng khuyến khích giới trẻ nên chủ động nghiên cứu các trường hợp thất bại, từ những bài học cá nhân đến những thất bại mang tính hệ thống trong kinh doanh, để rèn luyện tư duy phản biện và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những rủi ro tiềm ẩn.
"Đó mới là cách học hiệu quả và bền vững nhất", Shark Bình kết luận, kêu gọi một cách tiếp cận thực tế và toàn diện hơn trong việc học hỏi và xây dựng sự nghiệp.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)