Doanh thu ấn tượng và tăng trưởng vượt bậc
Theo báo cáo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, Việt Nam đã đón tiếp 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa cũng đạt con số đáng khích lệ, ước tính khoảng 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của du lịch Việt Nam đối với cả du khách trong nước và quốc tế.
Ngành du lịch Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong quý I/2025. Tổng cục Thống kê ghi nhận tổng lượng khách đạt trên 6 triệu lượt, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024. Những con số ấn tượng này khẳng định vị thế của ngành du lịch như một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Thiếu hụt nhân lực trầm trọng
Mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn, ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với một thách thức không nhỏ: tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 nhân lực, nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 - 20.000 người. Điều đáng lo ngại hơn là chất lượng nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 9,7%, trong khi phần lớn còn lại có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc thậm chí dưới sơ cấp. Hơn nữa, chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch, cho thấy sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành.
Báo cáo từ 46/63 tỉnh thành phố vào cuối năm 2023 cũng chỉ ra rằng hầu hết các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Bình... đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong ngành này. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách, đồng thời kìm hãm sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, việc nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên ngành du lịch là vô cùng quan trọng. Hiện nay, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo ngành du lịch, bao gồm 65 trường đại học, 55 trường cao đẳng, cùng các trường trung cấp và trung tâm đào tạo nghề. Các ngành đào tạo liên quan đến du lịch rất đa dạng, bao gồm Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Việt Nam học, Văn hóa du lịch, Hướng dẫn du lịch,...
Các trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) và các trường đại học tư thục, quốc tế như VinUni, RMIT, Hoa Sen, Đại học Anh Quốc (BUV), Hồng Bàng, Văn Lang... đều đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn quốc tế, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và khả năng ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Triển vọng nghề nghiệp rộng mở và mức lương hấp dẫn
Sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn trong các lĩnh vực như hướng dẫn viên du lịch, đại lý du lịch và lữ hành, quản lý lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ), tổ chức sự kiện, quảng cáo và marketing, quan hệ khách hàng và truyền thông,... Mức lương trong ngành du lịch cũng rất cạnh tranh, đặc biệt đối với những người có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.
Theo báo cáo Thị trường Tuyển dụng 2024 - 2025 của TopCV, mức lương tháng cho cấp bậc nhân viên từ 1 - 4 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch dao động từ 7 - 14 triệu đồng. Cấp bậc trưởng nhóm từ 4 - 6 năm kinh nghiệm có thu nhập 11 - 17 triệu đồng, trong khi cấp quản lý - trưởng phòng từ 6 - 13 năm kinh nghiệm có thể nhận lương từ 13 - 19,5 triệu đồng. Giám đốc trong ngành du lịch có mức thu nhập trung bình 19 - 28,6 triệu đồng.
Các thống kê khác cũng cho thấy mức lương hấp dẫn trong ngành du lịch. Nhân viên tư vấn du lịch có thể nhận mức lương trên 12 triệu đồng/tháng. Hướng dẫn viên du lịch nội địa có mức lương cứng 8-9 triệu đồng/tháng, trong khi hướng dẫn viên du lịch quốc tế có thể kiếm được từ 15 - 30 triệu/tháng. Vị trí điều hành, kinh doanh tour du lịch có thể mang lại thu nhập lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Với tiềm năng phát triển to lớn và cơ hội việc làm rộng mở, ngành du lịch Việt Nam đang trở thành một lĩnh vực hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực và đưa ngành du lịch Việt Nam vươn lên một tầm cao mới.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)