Ngành học tiềm năng, số lượng trường đào tạo còn hạn chế
Cuộc cách mạng 4.0 đang thúc đẩy sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ vào mọi lĩnh vực, và giáo dục không phải là ngoại lệ. Nhiều giáo viên đã chủ động áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu, mang đến những đổi mới tích cực và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Sự chuyển mình này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của ngành Công nghệ giáo dục.
Ngành Công nghệ giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng để thiết kế chương trình giảng dạy, tạo ra nội dung học tập, phát triển phần mềm, đồ họa phục vụ cho hoạt động dạy và học. Ngoài ra, các cử nhân Công nghệ giáo dục còn có khả năng sản xuất nội dung số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ giáo dục trực tuyến, góp phần tối ưu hóa quá trình học tập.
Ngành Công nghệ giáo dục 'siêu hot' chỉ 3 trường ở Việt Nam đào tạo (Ảnh minh hoạ)
Sự phát triển của các công cụ giáo dục hiện đại đã tạo điều kiện cho việc cá nhân hóa phương pháp và nội dung học tập, giúp người học phát huy tối đa năng lực của mình. Các nghiên cứu về thư viện trực tuyến, phần mềm giảng dạy và học tập trực tuyến, và các ứng dụng chấm bài qua Internet đã mang lại lợi ích to lớn cho cả học sinh và giáo viên. Hình thức học từ xa cũng ngày càng được ưa chuộng, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển và mở rộng kiến thức, kỹ năng.
Hiện tại, chỉ có ba trường đại học tại Việt Nam đào tạo ngành Công nghệ giáo dục, bao gồm Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHQG Hà Nội), Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) và Đại học Quốc tế Sài Gòn. Tuy nhiên, tin vui là Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và Đại học Đồng Tháp cũng đã thông báo kế hoạch tuyển sinh ngành này vào năm 2025, mở ra thêm cơ hội cho sinh viên đam mê lĩnh vực công nghệ và giáo dục.
Điểm chuẩn ngành Công nghệ giáo dục năm 2024 dự kiến dao động từ 15 đến 25.3 điểm, tùy thuộc vào từng trường và tổ hợp xét tuyển. Học sinh quan tâm đến ngành này có thể lựa chọn các tổ hợp như A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), D01 (Toán - Văn - Anh) để theo đuổi ước mơ của mình.
Cơ hội việc làm rộng mở với mức thu nhập hấp dẫn
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ giáo dục được thiết kế để cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng toàn diện, bao gồm Tâm lý học, Giáo dục học, phương pháp giảng dạy và đánh giá học tập. Sinh viên sẽ được nghiên cứu sâu về công nghệ thông tin, quản trị công nghệ giáo dục, và rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Chương trình cũng chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm tin học văn phòng, nhiếp ảnh và thiết kế thương hiệu trong giáo dục.
(Ảnh minh hoạ)
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công nghệ giáo dục có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau, bao gồm:
- Chuyên viên phân tích nghiệp vụ cho các tổ chức giáo dục.
- Nhà phát triển phần mềm giáo dục (hệ thống quản lý LMS, thư viện điện tử).
- Hỗ trợ giáo viên trong việc áp dụng phương pháp dạy học STEAM/STEM.
- Chuyên gia thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và giao diện người dùng (UI) cho các sản phẩm giáo dục.
- Tổ chức, triển khai và quản lý các dự án phát triển công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.
Ngành Công nghệ giáo dục chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2019, và đến năm 2023, lứa sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp. Theo thống kê từ các trường đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 100%, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của ngành học này.
Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, số lượng trung tâm và cơ sở giáo dục ngày càng tăng, nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ chuyên môn vững chắc và khả năng ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng hệ thống giảng dạy hiện đại đang tăng cao. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với mức thu nhập hấp dẫn.
(Ảnh minh hoạ)
Mức lương trong ngành Công nghệ giáo dục phụ thuộc vào vị trí, kinh nghiệm và kỹ năng của từng cá nhân. Sinh viên mới ra trường thường nhận mức lương khởi điểm từ 7 đến 10 triệu đồng khi làm việc trong các cơ sở giáo dục. Trong lĩnh vực phân tích nghiệp vụ (Business Analyst), thu nhập có thể dao động từ 10 đến 12 triệu đồng. Các chuyên gia thiết kế UX/UI trong giáo dục có thể nhận mức lương từ 8 đến 15 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô và tính chất của cơ sở giáo dục.
Nếu sinh viên trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm (thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, quản lý hồ sơ, phân tích dữ liệu, ngoại ngữ), họ sẽ có cơ hội làm việc và đạt được mức thu nhập ổn định, thậm chí lên đến vài chục hoặc hàng trăm triệu đồng.
Tú Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)