Đón đầu xu hướng giao thông đô thị
Sự ra đời và đi vào hoạt động của các tuyến đường sắt trên cao như Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội) đã minh chứng cho sự chuyển mình của hệ thống giao thông đô thị Việt Nam. Những tuyến metro không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, đòi hỏi nguồn nhân lực chuyên môn cao để đảm bảo vận hành hiệu quả và an toàn.
Ngành Xây dựng đường sắt - Metro nổi lên như một điểm sáng đầy tiềm năng, tuy nhiên còn khá mới mẻ và ít được biết đến (Ảnh minh hoạ)
Ngành Xây dựng đường sắt - Metro trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về xây dựng công trình giao thông, kết hợp với kỹ năng chuyên sâu về thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì hệ thống đường sắt đô thị. Chương trình đào tạo không chỉ bao gồm các môn học cơ bản như địa chất, kết cấu, sức bền vật liệu mà còn đi sâu vào các học phần đặc thù như thiết kế tuyến metro, công nghệ thi công hầm bằng máy đào TBM, tổ chức vận hành khai thác metro, an toàn giao thông đường sắt đô thị, hệ thống tín hiệu và điều khiển tự động. Đặc biệt, sinh viên còn có cơ hội thực tập tại các công trình metro thực tế, tiếp cận công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cơ hội học tập hấp dẫn và tiềm năng
Hiện tại, Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM là một trong số ít cơ sở đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam, đồng thời tiếp cận công nghệ đường sắt cao tốc và metro tiên tiến. Năm 2024, điểm chuẩn ngành Xây dựng đường sắt - Metro tại trường là 17 điểm (xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT), một mức điểm "dễ thở" so với nhiều ngành kỹ thuật khác.
(Ảnh minh hoạ)
Năm 2025, Đại học Bách khoa (Đà Nẵng) cũng sẽ mở tuyển sinh chuyên ngành Xây dựng đường sắt - Metro thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu.
Để theo học ngành này, thí sinh cần xét tuyển các tổ hợp thiên về khoa học tự nhiên như A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh) hoặc D01 (Toán - Văn - Anh). Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành metro cần có tư duy logic, khả năng làm việc nhóm và niềm đam mê với lĩnh vực xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng phức tạp.
Cơ hội việc làm rộng mở và mức lương hấp dẫn
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Xây dựng đường sắt - Metro có thể đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như kỹ sư vận hành, bảo trì hệ thống metro tại các Ban quản lý đường sắt đô thị, công ty vận hành metro; kỹ sư thiết kế, giám sát thi công hoặc quản lý dự án tại các tập đoàn xây dựng lớn trong và ngoài nước.
Mức thu nhập khởi điểm của sinh viên mới ra trường dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng. Nếu làm việc trong các dự án liên doanh hoặc dự án nước ngoài, con số này có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng trở lên. Sau 3-5 năm kinh nghiệm, kỹ sư có thể đạt mức lương từ 30-50 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn nếu đảm nhận vị trí quản lý.
(Ảnh minh hoạ)
Ngoài thị trường trong nước, sinh viên giỏi ngoại ngữ và có kiến thức chuyên môn vững chắc còn có cơ hội làm việc tại các quốc gia đang phát triển hệ thống metro như Philippines, Thái Lan, Indonesia, với mức lương hấp dẫn hơn nhiều lần.
Mặc dù còn mới mẻ, ngành Xây dựng đường sắt - Metro đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong sự phát triển của hạ tầng giao thông đô thị. Đây là ngành học dành cho những bạn trẻ yêu thích khám phá công nghệ giao thông hiện đại, mong muốn xây dựng sự nghiệp ổn định và có thu nhập cao.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)