Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ được đầu tư phát triển
Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký vào ngày 21/9/2024 bằng Quyết định số 1017/QĐ-TTg.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, tập trung vào thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Ngoài ra,đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được ít nhất 50.000 cho ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh minh họa)
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. Cũng trong năm này phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Ngành công nghệ bán dẫn là gì?
Ngành bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và thiết bị di động bằng cách sử dụng chất bán dẫn. Chất có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Các vi mạch và chip được sản xuất từ chất bán dẫn này.
Thực tế, tại các trường đại học hoặc cơ sở giáo dục đào tạo nghề, công nghệ bán dẫn hiện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời đại số. Chính vì thế các ngành nghề đào tạo liên quan đến công nghệ bán dẫn được nhiều người đăng ký học.
Ngành công nghệ bán dẫn tương lai sẽ rất hot (Ảnh minh họa)
Đối với chương trình đại học, làm công nghệ bán dẫn thì có thể tham khảo học các ngành nghề như sau:
- Ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử mở thêm phân ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.
- Ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Ngành Kỹ thuật điện tử và Tin học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Mức lương ngành công nghệ bán dẫn
PGS.TS Phạm Nguyên Hải đánh giá, hiện nay, mức lương ngành Công nghệ bán dẫn rất cao. Đối với thạc sĩ sau tốt nghiệp có thể đạt mức lương khoảng 40.000 – 60.000 USD/năm tại Đài Loan, tiến sĩ khoảng 100.000 USD/năm.
Nếu làm việc tại Việt Nam, mức lương trong ngành trung bình khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Nếu có bằng thạc sĩ, mức lương đạt khoảng 30 triệu/tháng, tiến sĩ khoảng 40 – 50 triệu/tháng.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)