Công nghệ chế tạo máy là ngành học thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, tập trung vào thiết kế, sản xuất, lắp ráp và bảo trì các loại máy móc, thiết bị phục vụ đa dạng ngành công nghiệp, từ ô tô, điện tử, hàng không đến năng lượng và sản xuất. Kỹ sư chế tạo máy đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các ý tưởng thành hệ thống máy móc hoàn chỉnh, từ thiết kế chi tiết đến chế tạo, kiểm tra và vận hành.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Công nghệ chế tạo máy được xem là "xương sống" của nền kinh tế, cung cấp công cụ sản xuất, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng suất lao động. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các hệ thống sản xuất tự động, thúc đẩy sự tiến bộ của nhiều ngành công nghiệp khác. Sức hút của ngành học này ngày càng tăng, đặc biệt với những bạn trẻ đam mê kỹ thuật và sáng tạo.
Công nghệ chế tạo máy - Ngành học không lo thất nghiệp, lương hơn 50 triệu đồng/tháng (Ảnh minh hoạ)
Thạc sĩ Lý Việt Anh, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên, nhấn mạnh: "Ngành Công nghệ chế tạo máy là ngành cốt lõi cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Dù có công nghệ tiên tiến, có điện tử hiện đại, nhưng thiếu linh kiện, máy móc thì các thiết bị cũng không thể vận hành".
Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Công nghệ chế tạo máy từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước là rất lớn, song số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm vẫn chưa đáp ứng đủ. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Thầy Việt Anh cho biết thêm: "Các doanh nghiệp rất cần tuyển dụng nhân lực ngành Công nghệ chế tạo máy nhưng số lượng sinh viên của ngành tốt nghiệp hàng năm không đáp ứng đủ; có một số doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay không tìm được nhân lực lĩnh vực chế tạo máy do thu nhập của người lao động ngành này ở trong nước cơ bản phù hợp với mức sống".
(Ảnh minh hoạ)
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ chế tạo máy có nhiều lựa chọn về nơi làm việc, từ các công ty cơ khí, nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện máy móc, các khu chế xuất, khu công nghiệp đến các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các vị trí công việc phổ biến bao gồm kỹ sư thiết kế máy móc, kỹ sư vận hành và bảo trì hệ thống sản xuất, kỹ sư lập trình và điều khiển máy CNC, kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm, kỹ thuật viên sản xuất, hay chuyên viên tư vấn kỹ thuật.
Theo thầy Việt Anh, mức lương khởi điểm cho kỹ sư Công nghệ chế tạo máy làm việc tại các doanh nghiệp trong nước dao động từ 14-15 triệu đồng/tháng (mức trung bình khá). Nếu làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, mức thu nhập có thể cao hơn đáng kể. Ví dụ, thu nhập của người lao động ngành chế tạo máy tại Nhật Bản hiện nay có thể lên tới 48-50 triệu đồng/tháng.
Với nền tảng kiến thức vững vàng và kỹ năng thực hành tốt, kỹ sư Công nghệ chế tạo máy còn có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo hoặc tiếp tục học lên cao để tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, viện kỹ thuật.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế sang sản xuất thông minh và 4.0, ngành Công nghệ chế tạo máy càng có thêm động lực để phát triển. Những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành tốt, am hiểu về tự động hóa và có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ có lợi thế lớn trong quá trình ứng tuyển và đàm phán lương.
Để thành công trong ngành, kỹ sư Công nghệ chế tạo máy cần có tư duy sáng tạo, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng sử dụng các công cụ, kỹ thuật mới nhất để giải quyết các vấn đề liên quan đến máy móc và thiết bị.
(Ảnh minh hoạ)
Hiện nay, ngành Công nghệ chế tạo máy được đào tạo tại nhiều trường đại học lớn, uy tín trên cả nước như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Công nghiệp TP.HCM... Năm 2024, điểm chuẩn của ngành này dao động từ 22- 26 điểm, cho thấy sức hút và sự quan tâm của thí sinh đối với ngành học này.
Với sự kết hợp giữa tư duy kỹ thuật và khả năng sáng tạo, ngành Công nghệ chế tạo máy mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn và tiềm năng phát triển lâu dài. Đây là một lựa chọn đáng cân nhắc cho những bạn trẻ yêu thích kỹ thuật và đam mê sáng tạo, muốn đóng góp vào sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)