Từ lâu, ngành CNTT thường được gắn liền với hình ảnh nam giới với tư duy logic sắc bén, khả năng giải quyết vấn đề phức tạp và chịu được áp lực cao. Nhiều người cho rằng những yếu tố như sức khỏe, tư duy, trách nhiệm gia đình sẽ gây khó khăn cho phụ nữ khi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, những lo ngại này hoàn toàn thiếu căn cứ.
Thực tế cho thấy, nữ giới sở hữu nhiều phẩm chất đặc biệt phù hợp với ngành CNTT. Sự thông minh, trí nhớ tốt, khả năng nhạy bén trong nắm bắt thông tin, tư duy giải quyết vấn đề sáng tạo, sự tỉ mỉ, cẩn thận và kỹ năng giao tiếp tốt là những lợi thế không thể phủ nhận. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của CNTT, từ phát triển phần mềm, kiểm thử chất lượng đến quản lý dự án và tương tác với khách hàng.
Nữ giới có hợp ngành công nghệ thông tin?
Trên thực tế, có rất nhiều vị trí trong ngành CNTT đặc biệt phù hợp với nữ giới, ví dụ như:
- Quản trị cơ sở dữ liệu: Đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và khả năng phân tích dữ liệu tốt.
- Chuyên viên phát triển cơ sở dữ liệu: Cần sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic.
- Tester/Đảm bảo chất lượng (QA): Yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận và khả năng phát hiện lỗi.
- Lập trình viên web/ứng dụng: Cần sự sáng tạo, khả năng tư duy logic và kỹ năng làm việc nhóm.
Hơn nữa, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT đang rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nữ giới tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều quan trọng nhất vẫn là đam mê và sự quyết tâm theo đuổi ngành học này. Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần có đam mê, sự ham học hỏi và nỗ lực không ngừng, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều phụ nữ tài giỏi trên thế giới đã thành công rực rỡ trong lĩnh vực CNTT.
Thông tin tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin tại một số trường đại học hàng đầu (năm gần nhất)
- Đại học Bách khoa Hà Nội: Xét tuyển theo nhiều phương thức, bao gồm xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường bắt đầu tuyển sinh thêm khối K01 (Toán, Văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin) cho ngành CNTT. Điểm chuẩn năm trước dao động từ 27.35 đến 28.01 điểm tùy theo chương trình (A00; A01; D28; D29).
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Xét tuyển theo nhiều phương thức, bao gồm xét tuyển thẳng tài năng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực/tư duy. Điểm chuẩn năm trước dao động từ 24.25 - 26.4 điểm (A00; A01; D01).
- Đại học Vinh: Dự kiến mở rộng khối xét tuyển với tổ hợp môn K01 (Toán, Anh, Tin) và D08 (Toán, Sinh Học, tiếng Anh). Điểm chuẩn năm trước là 19 điểm cho ngành CNTT và 21 điểm cho ngành CNTT (chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo) (A01; D07).
- Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): Xét tuyển theo nhiều phương thức, bao gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo phương thức riêng, xét học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp, xét kết quả thi đánh giá tư duy và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Điểm chuẩn năm trước là 25.55 - 27.11 điểm (A00; A01; D28).
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Bổ sung thêm tổ hợp môn Toán, Anh, Công nghệ Công nghiệp bên cạnh các tổ hợp truyền thống (A00; A01; D01).
Ngoài ra, các bạn thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh ngành CNTT tại các trường đại học khác như Học viện Kỹ thuật Quân sự, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Công nghệ TP.HCM.
Tuấn Nguyễn (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)