Giấy hẹn không có giá trị thay thế giấy phép lái xe
Căn cứ Điều 56 của Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 – có hiệu lực từ 1/1/2025 – người lái xe tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo giấy phép lái xe còn hiệu lực, phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển.
Trường hợp chỉ xuất trình được giấy hẹn cấp mới hoặc cấp lại GPLX, nhưng chưa có bằng lái thực tế, sẽ bị coi là không mang theo GPLX. Khi đó, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt hành chính theo Điểm a, Khoản 3, Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Pháp luật hiện hành không công nhận giấy hẹn là giấy tờ thay thế hợp pháp cho GPLX. Việc xuất trình giấy hẹn chỉ có giá trị chứng minh người dân đã nộp hồ sơ cấp lại, không làm thay đổi hành vi vi phạm.
(Ảnh minh họa).
Sử dụng ứng dụng VNeID có thể giảm rủi ro bị xử phạt
Tuy nhiên, theo Thông tư 73/2024/TT-BCA, trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện có thể sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID để xuất trình các loại giấy tờ cá nhân và phương tiện, nếu đã được tích hợp đầy đủ dữ liệu vào hệ thống do Bộ Công an quản lý.
Điều này đồng nghĩa rằng, trong thời gian chờ cấp lại bằng lái, nếu người dân đã tích hợp GPLX và các giấy tờ khác lên VNeID, thì có thể sử dụng để xuất trình khi lực lượng CSGT yêu cầu. Ứng dụng VNeID được xem như một bản điện tử có giá trị tương đương bản gốc, giúp hạn chế nguy cơ bị xử phạt do không mang theo bản giấy.
Tuy nhiên, việc sử dụng VNeID chỉ hiệu quả khi dữ liệu định danh và giấy tờ được cập nhật đầy đủ, nên người dân cần chủ động kiểm tra thông tin và thực hiện tích hợp chính xác.
Người dân nên sử dụng ứng dụng VNeID có thể giảm rủi ro bị xử phạt. (Ảnh minh họa).
Khuyến cáo dành cho người dân đang chờ cấp lại GPLX
Không điều khiển phương tiện nếu không có GPLX hợp lệ, trừ trường hợp đã tích hợp trên VNeID và được xác nhận hợp lệ khi kiểm tra.
Chủ động sao lưu và theo dõi tình trạng hồ sơ tại Sở Giao thông Vận tải hoặc trên cổng dịch vụ công.
Không nên giao phương tiện cho người không có GPLX, dù đang chờ cấp lại, để tránh vi phạm luật.
Thường xuyên cập nhật ứng dụng VNeID, tích hợp giấy tờ để sử dụng thuận tiện trong trường hợp cần thiết.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)