Nghĩa vụ quân sự là gì?
Theo khoản 1, Điều 4 trong Chương I của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có ghi rõ: "Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân".
Theo đó, tất cả công dân của Việt Nam đang ở trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội,tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn hay nghề nghiệp cũng như nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện. (Ảnh minh họa)
Trách nhiệm của công dân trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự
Trách nhiệm của công dân trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ dân sự, đó chính là:
- Tuyệt đối phải trung thành với Đảng và Nhà nước cũng như nhân dân lao động. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó.
- Tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản của đất nước, cũng như sẵn sàng bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
- Gương mẫu thực hiện, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và những điều lệnh, điều lệ của khi tham gia nghĩa vụ quân sự.
- Luôn cố gắng không ngừng và ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, kỹ thuật nghiệp vụ, rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, thể lực cũng như không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Những hành vi bị coi là trốn nghĩa vụ quân sự
Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, bao gồm:
- Không đăng ký nghĩa vụ quân sự: Công dân nam đủ 17 tuổi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định.
- Trốn tránh khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự: Không có mặt đúng thời gian, địa điểm khi có lệnh gọi khám sức khỏe.
Nhiều hành vi bị coi là trốn tránh nghĩa vụ quân sự. (Ảnh minh họa)
- Gian dối trong khám sức khỏe: Sử dụng giấy tờ giả, khai man lý lịch, sức khỏe để trốn tránh việc nhập ngũ.
- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ: Sau khi có lệnh gọi nhập ngũ hợp lệ, công dân không có mặt tại đơn vị đúng thời gian quy định mà không có lý do chính đáng.
- Tự ý rời khỏi đơn vị quân đội: Trong thời gian tại ngũ, tự ý bỏ đơn vị, trốn về địa phương.
Trốn tránh nghĩa vụ quân sự không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành động vô trách nhiệm với Tổ quốc. Ảnh minh họa
Hình thức xử phạt đối với người trốn nghĩa vụ quân sự 2025
Hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật nghĩa vụ quân sự. Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính
Căn cứ khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, người vi phạm quy định về nhập ngũ sẽ bị phạt hành chính như sau:
Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng thì bị phạt 30 - 40 triệu đồng.
Gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định thì bị phạt 40-50 triệu đồng.
Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ (trừ các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự theo quy định) thì bị phạt 50-75 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người có một trong các hành vi nêu trên còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt nặng. (Ảnh minh họa)
Về xử lý hình sự
Điều 332 Bộ luật Hình sự quy định người trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý với các hành vi cụ thể, gồm:
Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đặc biệt, nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Phạm tội trong thời chiến hay lôi kéo người khác phạm tội thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)