Không chỉ những ngày lễ Tết mà ngày mùng 1, ngày rằm cũng cần lau bàn thờ. Nếu thấy bàn thờ quá bụi bẩn thì tốt nhất nên lau sạch luôn để khu vực này luôn giữ được sự sạch sẽ, trang nghiêm, thể hiện sự tôn trọng của gia chủ với tổ tiên, thần linh.
Nhiều người thường có thói quen sử dụng nước lã sạch để lau dọn bàn thờ. Tuy nhiên, thay vì nước lã, bạn có thể sử dụng một số loại nước này để cầu mong bề trên ban phước lành, phúc lộc.
Nước rượu pha tỏi
Không chỉ có tác dụng tẩy sạch vết bẩn, nước rượu pha tỏi còn giúp cho bài vị, bát hương đồ lễ… được thanh tẩy. Với nước rượu pha tỏi, chị em có thể ngâm sẵn 1 lọ để dùng suốt năm, không nhất thiết phải đợi đến ngày lễ Tết mới dùng nước này lau bàn thờ nhé. Tỏi chỉ cần đập dập, cho vào bình rượu trắng, đậy kín nắp, để nơi khô ráo. Khi cần dùng, chị em rót một ít nước rượu ngâm tỏi, pha với chút nước loãng là có ngay hỗn hợp lau bàn thờ rồi. Trường hợp không ngâm sẵn, chị em có thể giã tỏi, cho vào rượu trắng pha loãng rồi dùng khăn sạch thấm hỗn hợp đã pha để lau. Dùng nước rượu pha tỏi lau bàn thờ có thể giúp xua đi vận xấu đeo bám, mang lại luồng khí mới tốt đẹp hơn cho gia chủ.
Nước rượu pha gừng
Bài vị hay tượng thờ là cực kỳ linh thiêng, do đó khi lau hai vật này thì tuyệt đối không nên dùng nước lạnh nhé chị em. Thay vào đó, chị em hãy giã nhỏ gừng, sau đó cho vào rượu pha loãng. Dùng khăn sạch thấm nước nước rượu gừng để lau. Quan niệm dân gian cho rằng gừng và rượu đều có tác dụng trừ tà, sẽ giúp gia chủ tẩy uế, xua đuổi những xui xẻo của năm cũ đi. Sau khi lau kỹ bài vị, tượng thờ, chị em tiếp tục dùng nước rượu pha gừng để lau các vật dụng khác kể cả bề mặt bàn thờ.
Nước ngũ vị (nước bao sái)
Loại nước này bao gồm 5 thứ thảo dược: quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn. Để làm nước bao sái, chị em đun 1,5 lít nước sôi rồi cho cả 5 loại thảo dược này vào, đun thêm khoảng 2-3 phút rồi tắt bếp, đậy kín nắp. Khi nước nguội có thể dùng nước này để lau bàn thờ và đồ thờ cúng.
Nếu không thể làm những loại nước này, đơn giản nhất là chị em có thể dùng rượu trắng pha loãng để lau bàn thờ cũng được. Ngoài ra, lưu ý chị em là khi pha loãng rượu nên dùng nước ấm đun sôi để nguội.
Ngoài ra, khi lau dọn bàn thờ, chị em cũng cần chú ý một số điều sau:
- Thời gian lau dọn: Nhiều nhà chỉ đợi đến dịp lễ Tết mới tiến hành lau dọn bàn thờ, số khác thì lau dọn thường xuyên hơn vào các ngày Rằm, mùng 1, ngày giỗ… Tuy nhiên, ngay cả ngày thường nếu thấy bàn thờ quá nhiều bụi bẩn, chị em cũng nên lau dọn ngay. Đây là nơi trang nghiêm, nên lúc nào cũng cần sạch sẽ mới thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ.
- Người lau dọn bàn thờ: Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm việc lau dọn bàn thờ phải để đích thân gia chủ thực hiện mới đúng lễ nghi. Tuy nhiên, các chuyên gia phong thủy cho rằng chỉ cần là thành viên trong gia đình đều có thể làm việc này. Trước khi lau dọn bàn thờ tổ tiên nên tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đàng hoàng, không cởi trần, mặc quần đùi. Khi thực hiện cần thành tâm, chuyên chú.
- Khi lau dọn bàn thờ: Không di chuyển bát hương tùy tiện vì nó ảnh hưởng tới may mắn của gia chủ. Không tự ý tỉa chân hương, làm rơi vỡ đồ đạc, không to tiếng, nói tục… Khi lau dọn phải lau bài vị trước rồi mới đến bát hương kẻo bị hao tài. Đặt bài vị, bát hương của thần Phật trước rồi mới đến tổ tiên. Tuyệt đối không dùng khăn cũ, khăn bẩn để lau.
*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)