Độ tuổi được nhà nước chúc thọ, mừng thọ năm 2025
Theo quy định tại Điều 21 của Luật Người cao tuổi 2009, độ tuổi được Nhà nước chúc thọ, mừng thọ không có sự thay đổi so với các năm trước. Cụ thể:
- Người thọ 100 tuổi: Sẽ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trực tiếp chúc thọ và tặng quà.
- Người thọ 90 tuổi: Sẽ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà.
- Người từ 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương và gia đình người cao tuổi tổ chức mừng thọ vào một trong các dịp sau:
Mức tiền chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi là bao nhiêu?
Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6 hằng năm)
Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10 hằng năm)
Tết Nguyên đán
Sinh nhật của người cao tuổi
Đa số các địa phương trên cả nước thường tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi vào dịp Tết Nguyên đán, tạo không khí vui tươi, ấm áp.
Mức tiền chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi năm 2025
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 của Thông tư 96/2018/TT-BTC, mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi được quy định như sau:
- Người thọ 100 tuổi: Nhận được quà tặng từ Chủ tịch nước bao gồm 05 mét vải lụa và 700.000 đồng tiền mặt.
- Người thọ 90 tuổi: Nhận được quà tặng từ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm hiện vật trị giá 150.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt.
Lưu ý rằng, mức chi trên là mức tối thiểu. Tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc thành phố có thể quyết định mức chi cao hơn mức quy định. Đồng thời, mức quà tặng cho người cao tuổi ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi cũng được xem xét và quyết định dựa trên đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Việc tổ chức mừng thọ cần đảm bảo tính trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa và phong tục tập quán của từng địa phương.
Phát huy vai trò của người cao tuổi
Luật Người cao tuổi năm 2009 không chỉ tập trung vào việc chăm sóc, tôn vinh người cao tuổi mà còn khuyến khích họ phát huy vai trò trong xã hội. Điều 23 của Luật quy định Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi đóng góp vào các hoạt động:
- Giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu con người và yêu thiên nhiên.
- Xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài và hỗ trợ giáo dục.
- Truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ trẻ.
- Tham gia các hoạt động xã hội vì lợi ích của cộng đồng và đất nước.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)