Mua sắm Tết là một phần quan trọng để chuẩn bị cho năm mới, nhưng cần chú ý để tránh lãng phí và đảm bảo chi tiêu hợp lý. Dưới đây là một số lưu ý khi mua sắm Tết:
Kiểm tra thông tin sản phẩm và chương trình khuyến mại
Việc kiểm tra thông tin sản phẩm và chương trình khuyến mại là bước đầu tiên để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Cụ thể, khi tham gia mua sắm khuyến mại, khách hàng cần kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; đọc kỹ nội dung chương trình khuyến mại, bao gồm thời gian áp dụng, đối tượng áp dụng và điều kiện nhận ưu đãi; đảm bảo chương trình khuyến mại được công bố minh bạch trên các kênh thông tin chính thống, tránh bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch từ các nguồn không đáng tin cậy.
Những kinh nghiệm khi mua sắm hàng dịp Tết (Ảnh minh họa)
So sánh giá cả trước và sau khuyến mại
Một số doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức tăng giá trước khi giảm giá để tạo cảm giác giảm giá sâu. Điều này không chỉ vi phạm nguyên tắc minh bạch trong thương mại mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Do đó, người tiêu dùng nên kiểm tra giá sản phẩm trước và sau khuyến mại trên nhiều kênh để đánh giá mức độ ưu đãi thực tế. Sử dụng các công cụ hoặc ứng dụng theo dõi giá để xác định liệu mức giảm giá có đúng như doanh nghiệp công bố hay không.
Đọc kỹ điều khoản và điều kiện áp dụng
Mỗi chương trình khuyến mại đều đi kèm với các điều khoản và điều kiện áp dụng cụ thể. Việc không hiểu rõ những điều khoản này có thể dẫn đến mất quyền lợi hoặc tranh chấp không đáng có. Theo Điều 97 Luật Thương mại năm 2005 các thông tin khuyến mại phải được công khai bao gồm: thời gian khuyến mại, điều kiện cụ thể đi kèm khuyến mại,…
Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý đọc kỹ các điều kiện như giá trị tối thiểu để nhận ưu đãi, giới hạn số lượng sản phẩm áp dụng hoặc khu vực được hưởng khuyến mại; hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là các điều kiện hoàn trả hoặc bảo hành khi sản phẩm có vấn đề.
(Ảnh minh họa)
Cẩn trọng với các chương trình khuyến mại trực tuyến
Thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Theo Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến phải thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin.
Do vậy, khi tham gia chương trình khuyến mại trực tuyến, người tiêu dùng cần kiểm tra uy tín của sàn thương mại điện tử hoặc website khuyến mại, ưu tiên sử dụng các nền tảng có chứng nhận bảo mật và chính sách rõ ràng; đọc kỹ đánh giá của người mua trước để xác minh chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của người bán; tránh cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu trên các trang web không chính thống.
Lưu giữ chứng từ và hóa đơn mua hàng
Sau khi mua hàng trong chương trình khuyến mại, người tiêu dùng nên lưu giữ các chứng từ, hóa đơn liên quan. Điều này sẽ giúp giải quyết các vấn đề phát sinh sau mua hàng như đổi trả, bảo hành hoặc khiếu nại. Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì người tiêu dùng được cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch. Việc lưu giữ chứng từ và hóa đơn còn giúp người tiêu dùng đối chiếu thông tin về sản phẩm, dịch vụ đã mua với các điều khoản của chương trình khuyến mại. Đây cũng là cơ sở để kiểm chứng quyền lợi mà người tiêu dùng được hưởng, đảm bảo sự minh bạch và chính xác.
Ngoài ra, trong trường hợp phát hiện gian lận hoặc vi phạm quy định về khuyến mại, các chứng từ này sẽ là bằng chứng quan trọng hỗ trợ quá trình khiếu nại hoặc tố cáo, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Sử dụng quyền khiếu nại khi cần thiết
(Ảnh minh họa)
Nếu phát hiện sản phẩm hoặc dịch vụ trong chương trình khuyến mại không đáp ứng chất lượng như cam kết, người tiêu dùng có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình. Hãy liên hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết. Theo Khoản 7 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Các chương trình khuyến mại, nếu được thực hiện đúng quy định, có thể mang lại lợi ích lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tránh rủi ro "tiền mất tật mang", người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, tìm hiểu kỹ thông tin và luôn tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của mình. Việc áp dụng đúng quy định pháp luật không chỉ giúp người tiêu dùng mua sắm thông minh mà còn góp phần xây dựng môi trường thương mại minh bạch, lành mạnh.
Huy Phát (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)