Tục thắp hương - "cầu nối" tâm linh của người Việt
Trong văn hoá thờ cúng và tín ngưỡng của người Việt, từ ngày hội nhỏ đến lễ lớn, từ mùng 1, ngày Rằm hay đến ngày Tết Nguyên đán long trọng cổ truyền cũng đều không thể thiếu được những nén hương thơm trên bàn thờ.
"Dâng nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh" là cách người dân có thể "kết nối" với thần linh, gia thần, tổ tiên để tỏ lòng biết ơn, thành kính. Mỗi nén hương được thắp sáng giống như một điểm tựa tâm linh giúp con người có thể gửi gắm những điều thành tâm đến được với người đã khuất.
Với các gia đình Việt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, việc đèn hương trên ban thờ thường được duy trì đến ngày hóa vàng. Người xưa có quan niệm rằng trong những ngày Tết, các bậc Gia thần và Gia tiên luôn ngự trên ban thờ của mỗi nhà, nếu đèn hương bị tắt hoặc hạ lễ vật trước khi lễ tạ là điều bất kính.
Mua hương nhang ngày Tết nhớ phải tránh những điều này kẻo phạm phong thủy
Mua hương cuốn tàn cẩn thận họa hơn phúc
Người xưa nói rằng hương cuốn tàn là điềm báo may mắn nhưng đó là hương tự nhiên cả nghìn que hương thì có 1 chiếc cuốn tàn. Sau này vì niềm tin đó nhiều nhà sản xuất dùng hóa chất can thiệp để 100 que thì có tới 99 que cuốn tàn, cứ đốt là cuốn tàn.
Dịp Tết nhiều người lại càng quan trọng chọn hương có đặc điểm cuốn tàn mà quên mất nguời xưa quan niệm hương quan trọng nhất là phải thơm. Mùi thơm của hương đánh thức tâm linh, dẫn nhập vào thế giới tổ tiên linh hồn. Bởi thế hương phải có mùi thơm tự nhiên làm từ thảo mộc như trầm, hương bài, vỏ bưởi...
Thế nhưng ngày nay nhiều người chỉ chạy theo loại hương cuốn tàn. Tuy nhiên theo phong thủy đó là đại kỵ bởi đó là sự giả dối tự lừa mình lừa thần. Trong tâm linh thì mọi sự ứng nghiệm đều phải tự nhiên chứ không được lừa dối và nhân tạo như vậy. Hơn nữa việc dùng hương hóa chất để tạo ra một điềm báo thay cho thế giới bên kia là phản phong thủy mang ý nghĩa báng bổ. Hơn nữa hương hóa chất rất độc hại. Những chất tạo cuốn tàn có thể gây ra sặc, ho, viêm phế quản, viêm phổi, đốt thường xuyên có thể gây ung thư... Việc đốt hương quá nhiều trong không gian nhỏ hẹp cũng có thể gây ra ngạt khí đặc biệt với người già trẻ nhỏ.
Do đó hãy mua hương thơm tự nhiên làm từ thảo mộc tự nhiên tránh mua hương chỉ vì mục đích cuốn tàn.
Tại gia đình không dùng chân hương vòng cắm vào bát hương
Cắm chân hương vòng vào bát hương rất kỵ phong thủy khiến gia đình ốm đau lục đục. Chân hương vòng chỉ nên dùng ở đình chùa miếu phủ. Hơn nữa việc tự tiện cắm vật to nhọn có tính sát hương vào bát hương bàn thờ gia tiên là đại kỵ theo phong thủy.
Chân hương vòng cũng thường bằng kim loại nên cắm lên bát hương lại càng đại kỵ gây ra họa sức khỏe sa sút, phần âm bị động nên làm ăn không may mắn, tài lộc hao tổn. Nếu cần đốt hương vòng thì thắp bằng đĩa và chân hương bên ngoài tránh đại kỵ phong thủy.
Tránh thắp hương buổi tối
Buổi tối người xưa dặn không nên thắp hương vì đây là lúc gia tiên nghỉ ngơi. Hơn nữa thắp hương lúc này có thể dẫn tới rước ma quỷ vào nhà.
Tránh thắp nhiều hương cùng lúc
Khi gia đình có nhiều đoàn con cháu về lễ, nên tránh việc đoàn nào cũng thắp hương vào bát hương, có thể gây bốc cháy, điều đó có thể gây hỏa hoạn lại mang điềm xui xẻo vì bát hương bốc hỏa.
Giữ hương trên ban thờ cẩn thận
Theo quan niệm phong thủy, khi thẻ hương bị gãy đầu, hương ẩm đốt không cháy rất xui xẻo. Do đó khi lưu trữ hương trên ban thờ cần lưu ý không bị ẩm ướt, khi lấy thẻ hương ra cần cẩn trọng, tránh để bị ẩm ướt khiến hương không bắt lửa hoặc làm rơi gãy que hương.
Cẩn thận hương có mùi thơm lạ
Thông thường hương tự nhiên sẽ có mùi thơm thanh nhẹ từ thảo mộc nên khi thắp mà thấy hương có mùi tanh lạ mùi hóa chất thì cần chú ý. Mùi đó có thể gây hại sức khỏe của gia chủ. Mùi hóa chất không chỉ gây hại sức khỏe cho người sống mà còn báng bổ việc thờ cúng, làm không khí nơi thờ cúng không thanh sạch, gây phản tâm linh phong thủy.
*Thông tin trong bài mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)