Đó là ngành Cơ điện tử - một ngành đang trở nên phổ biến và được đông đảo giới trẻ đam mê công nghệ ưa chuộng. Dự kiến, ngành này sẽ mở ra một thị trường có tốc độ phát triển cao, mang lại nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Hơn nữa, sự chú ý đối với ngành Cơ điện tử cũng tăng lên gần đây do mức thu nhập hấp dẫn mà nó mang lại.
Cơ điện tử là một ngành kỹ thuật đa ngành, nơi mà kiến thức về kỹ thuật cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin được kết hợp để thiết kế, sản xuất và quản lý các hệ thống máy móc và thiết bị tự động hóa. Đây là sự kết hợp tối ưu của các lĩnh vực để tạo nên sản phẩm có khả năng hoạt động vượt trội.
Người kỹ sư trong lĩnh vực này sẽ có kiến thức chuyên sâu về các mảng cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin, cho phép họ tích hợp các hệ thống điều khiển thông minh vào sản phẩm cơ khí, đồng thời kết nối chúng với các hệ thống xử lý dữ liệu để tạo ra các giải pháp hoàn hảo và tiên tiến.
Ngành Cơ điện tử bao hàm kiến thức và kỹ năng từ cả cơ khí và điện tử. Trong chương trình học Cơ điện tử, sinh viên sẽ được trang bị các khái niệm và phương pháp liên quan đến:
- Công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại.
- Nguyên lý hoạt động của các hệ thống điều khiển công nghiệp, bao gồm các thiết bị, mạch điện, linh kiện điện tử và kỹ thuật điều khiển.
- Phân tích số liệu và thống kê kỹ thuật.
- Hệ thống điều khiển Cơ điện tử và lập trình PLC (Programmable Logic Controller).
- Vật lý ứng dụng trong kỹ thuật như động lực học và thủy lực.
- Đặc tính của các vật liệu trong công nghiệp từ góc độ vật lý và hóa học.
- Thiết kế máy móc và học về động học.
- Tự động hóa và kiểm soát quy trình sản xuất.
- Công nghệ sản xuất tích hợp với máy tính.
Ngành Cơ điện tử bao hàm kiến thức và kỹ năng từ cả cơ khí và điện tử
Học ngành Cơ điện tử ra làm gì?
Cơ hội nghề nghiệp sau khi học ngành Cơ điện tử bao gồm:
- Kỹ sư thiết kế, lập trình, vận hành và bảo dưỡng cả phần cứng lẫn phần mềm điều khiển máy móc và thiết bị tự động.
- Chuyên gia tư vấn, thiết kế, lập trình, thi công và chuyển giao công nghệ tự động hóa.
- Kỹ thuật viên cơ điện tử trong các bộ phận điều khiển và công nghệ tự động hóa sản xuất.
- Chuyên viên quản lý và bảo trì các hệ thống điện tử và robot công nghiệp.
- Vị trí quản lý và giám sát kỹ thuật tại các doanh nghiệp công nghệ cao.
- Cố vấn, giáo viên và nhà nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ điện tử.
(Ảnh minh họa)
Thu nhập
Trong ngành Cơ điện tử, thu nhập được đánh giá là tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung, với mức thu nhập trung bình của một kỹ thuật viên dao động từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Nguyễn Văn Tùng, người làm việc trong lĩnh vực bảo trì và sửa chữa thiết bị điện lạnh ở Hà Nội, chia sẻ rằng ngành này không chỉ đầy tiềm năng mà còn có mức thu nhập ổn định và khá cao.
Anh Tùng thông tin thêm: "Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm, mức lương khởi điểm thường nằm trong khoảng từ 7 đến 9 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, một kỹ sư Cơ điện tử có từ trên 1 năm kinh nghiệm có thể mong đợi mức lương từ 18 đến 20 triệu đồng mỗi tháng.
Vị trí quản lý hoặc chuyên viên cao cấp có thể có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi tháng. Tôi hiện nay có mức thu nhập hàng tháng từ 20 đến 30 triệu đồng, và tôi tin rằng mức thu nhập này còn có thể tăng cao hơn nữa tùy thuộc vào độ chăm chỉ làm việc và nhu cầu của khách hàng" - anh Tùng nói.
Theo thông tin từ Trường Đại học Mỏ - Địa chất, thu nhập ban đầu của các cử nhân ngành Kỹ thuật Cơ điện tử sau khi tốt nghiệp thường rơi vào khoảng 10 đến 20 triệu đồng hàng tháng. Đối với những cá nhân giàu kinh nghiệm, kết hợp với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng, mức thu nhập có thể đạt được sẽ cao hơn nữa.
Một kỹ sư Cơ điện tử có từ trên 1 năm kinh nghiệm có thể mong đợi mức lương từ 18 đến 20 triệu đồng mỗi tháng
Các tổ hợp môn xét tuyển cho ngành Cơ điện tử
Mỗi trường đại học có những quy định riêng về tổ hợp môn xét tuyển cho ngành Cơ điện tử, phù hợp với tiêu chí và phương thức tuyển sinh của trường. Dưới đây là danh sách một số tổ hợp môn thường được các trường sử dụng để tuyển chọn ứng viên, giúp các bạn học sinh có thêm thông tin để chọn lựa tổ hợp phù hợp với khả năng của mình.
- A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh
- D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh
- C01: Toán, Ngữ văn, Vật lý
- D07: Toán, Hóa học, tiếng Anh
- D90: Toán, Khoa học Tự nhiên, tiếng Anh
(Ảnh minh họa)
Đại học đào tạo ngành Cơ điện tử
Ngành Cơ điện tử được đào tạo bởi nhiều trường đại học uy tín, cung cấp nhiều lựa chọn cho học sinh:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Mỏ - Địa chất
- Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Đại học Giao thông vận tải
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
- Đại học Công nghiệp TP.HCM
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- Đại học Nha Trang
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)