Gần đến rằm tháng 8 nên bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi trong siêu thị, trên mạng cũng như hè phố. Bánh Trung thu ngọt, béo ngậy và có lượng calo cao. Đặc biệt, những loại bánh nhân gà quay, thẩm cẩm hay trứng muối thì tổng lượng calo sẽ càng cao.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tùy từng loại bánh và nhân bánh sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Theo đó, một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g sẽ cung cấp 566 kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 kcal. Còn trong 1 chiếc bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid.
Như vậy, năng lượng của một chiếc bánh Trung thu bằng 2 bát phở (bát phở bình dân có 291kcal), ngoài ra lượng đường một của một chiếc bánh cỡ trung bình cũng rất cao, bằng khoảng 2 đến 3 bát cơm. Chính vì giàu năng lượng như vậy nên khi đến mùa Trung thu, nhiều gia đình thắc mắc rằng, có nên ăn sáng bằng bánh Trung thu để giúp no lâu hơn.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, không nên dùng bánh Trung thu để ăn sáng. Theo lý giải của bác sĩ Hưng, bánh Trung thu chỉ nên ăn để thưởng thức, chứ không phải thực phẩm để ăn no. Dù một chiếc bánh Trung thu có tổng năng lượng bằng ăn một bữa cơm, tuy nhiên thành phần tạo nên chiếc bánh lại không cân bằng giữa các nhóm chất.
Bác sĩ Hưng cho biết, thành phần chính của bánh Trung thu chủ yếu là nhóm đường bột, vì thế bánh Trung thu thường rất ngọt. Chính vị ngọt và độ béo ngậy của loại bánh này sẽ là mối nguy cho sức khỏe nếu sử dụng nhiều. “Không chỉ người lớn, nhiều đứa trẻ ăn một lần hết cả chiếc bánh, đây chính là mối nguy cho sức khỏe, nhất là với trẻ thừa cân béo phì”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Một lý do khác để không nên lựa chọn bánh Trung thu ăn sáng, đó là chất béo trong bánh chủ yếu được làm từ thịt mỡ, đây là loại chất béo gây nhiều tác hại với sức khỏe, nhất là với bánh nướng dưới nhiệt độ cao. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1-2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò hoặc phở gà. Do vậy, nếu ăn bánh Trung thu vào bữa sáng sẽ gây tình trạng khó tiêu hóa.
Chuyên gia khuyên không nên ăn Trung thu vào buổi sáng vì sẽ gây ra tình trạng khó tiêu hóa.
Bác sĩ Hưng tư vấn, với một chiếc bánh Trung thu cỡ trung bình, chỉ nên ăn 1/4 chiếc bánh với người lớn và 1/8 chiếc bánh với trẻ nhỏ. Nếu ăn một nửa dù là bánh nướng hay bánh dẻo thì cần giảm các thực phẩm khác để không bị thừa năng lượng. Đồng thời cần ăn nhiều rau xanh, vì rau xanh có vai trò như chiếc chổi quét chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.
Nếu không giảm bớt các thực phẩm khác thì có thể lựa chọn tập luyện thể dục, thể thao để tiêu hao năng lượng dư thừa. Nếu không tiêu hao được năng lượng thì nguy cơ tăng cân sau mùa bánh Trung thu là hoàn toàn có thể xảy ra. Với những người mắc bệnh lý như tiểu đường, béo phì cần hạn chế ăn bánh Trung thu, hoặc lựa chọn những sản phẩm ít đường, ít béo khi ăn để tránh tăng cân và tăng đường huyết.
Những người không nên ăn bánh Trung thu
Người mắc bệnh tiểu đường
Với người bị tiểu đường, điều quan trọng hơn cả là thực đơn ăn uống kiểm soát lượng đường trong máu. Đường và chất béo trong bánh Trung thu rất cao, khi ăn quá nhiều bánh trung thu, lượng đường trong máu sẽ tăng, lượng chất béo hấp thu vào cơ thể cũng quá nhiều.
Nếu không muốn bỏ lỡ chiếc bánh cùng gia đình trong dịp lễ, người bệnh nên giảm lượng tinh bột và dầu ăn trong các bữa ăn còn lại trong ngày để cân bằng chế độ dinh dưỡng.
Người thân nhiệt cao không ăn nhiều
Theo trang Aboluowang, những người cơ thể quá nóng không nên ăn nhiều bánh Trung thu, dễ gây khó tiêu. Đồng thời, có thể dẫn đến nội hỏa tăng cao, gây nổi mụn, táo bón, sưng lợi và các triệu chứng khác.
Người bị sỏi mật, túi mật
Người mắc sỏi mật, túi mật khi ăn quá nhiều bánh Trung thu có thể dẫn tới viêm tụy cấp tính, có thể dẫn tới tử vong trong thời gian ngắn. Vì vậy, nếu không cần thiết, người mắc bệnh này cần cố gắng không ăn bánh Trung thu.
Người bị viêm da, mụn trứng cá
Những người thường xuyên bị viêm da, mụn trứng cá và các bệnh về da khác cũng không nên ăn quá nhiều bánh Trung thu. Thành phần quá nhiều chất béo có thể làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn, khiến các bệnh lý về da thêm trầm trọng.
Người đang mang thai
Theo bài viết trên Báo Sức khoẻ & Đời sống, phụ nữ mang thai ăn bánh Trung thu cần lưu ý tuân thủ các quy định, những điều cần tránh khi ăn bánh Trung thu bởi trong bánh trung thu có nhiều dưỡng chất không tốt cho mẹ bầu, hơn nữa lại chứa nhiều đường lượng đường trong bánh chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường máu.
Hàm lượng cholesterol quá nhiều trong bánh không những gây tác động xấu đến bệnh tăng lipid máu, tim mạch và tiểu đường mà còn có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
Người thừa cân, béo phì
Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao), 5-12 g protein, 60-90 g cacbohydrat và 30-45 g chất béo. Một mẩu bánh Trung thu nhân trứng muối nặng 60 g cung cấp khoảng 200 calo. Một phụ nữ cân nặng 55 kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)