Nghiêm Hoằng Sâm hiện là học sinh một trường tiểu học ở Thiệu Hưng, Chiết Giang (Trung Quốc). Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé đã sở hữu kiến thức sâu rộng về khoa học vũ trụ, đặc biệt là chế tạo tên lửa.
Bố của nam sinh cho biết, đam mê của con trai bắt đầu từ năm 4 tuổi, sau chuyến du lịch đến trung tâm phóng tên lửa, nơi cậu tận mắt chứng kiến tên lửa Trường Chinh 2 (Long March 2) cất cánh. Từ đó, Hoằng Sâm say mê tìm hiểu qua video, sách và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan như Vật lý, Hóa học và hàng không vũ trụ.
Ở tuổi 11, Nghiêm Hoằng Sâm - học sinh trường tiểu học ở Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc) tự viết code (mã) để chế tạo tên lửa
Để nuôi dưỡng niềm đam mê này, bố mẹ đã biến phòng khách thành nơi nghiên cứu tên lửa của Hoằng Sâm. Sau hơn 10 tháng nghiên cứu, tháng 6/2023, Hoằng Sâm thực hiện phóng chiếc tên lửa đầu tiên của mình làm bằng nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, khi phóng lên, tên lửa không bung dù và các phần còn lại cũng hỏng. Không nản chí, Hoằng Sâm tìm hiểu nguyên nhân và tiếp tục cải tiến để phóng lại trong thời gian tới.
Khi câu chuyện của Hoằng Sâm được chia sẻ, nhiều ý kiến nghi ngờ rằng cậu bé không thể tự làm điều này. Tuy nhiên, bố cậu khẳng định con trai tự học lập trình, Vật lý, Hóa học, hàng không vũ trụ và mạch điện tử qua các khóa học trực tuyến. Dù không có chuyên môn trong lĩnh vực này, bố mẹ luôn ủng hộ đam mê của con và sẵn sàng tìm chuyên gia hỗ trợ khi cần.
"Tôi làm trong ngành du lịch còn vợ là giáo viên Tiếng Anh. Chúng tôi không hiểu những thứ thằng bé học. Dù không hiểu về hàng không vũ trụ nhưng tôi sẽ đồng hành cùng con", bố nam sinh chia sẻ. "Là cha mẹ, chúng tôi luôn ủng hộ ước mơ của con. Nếu con gặp khó khăn về kỹ thuật không thể giải quyết, tôi sẽ tìm đến các chuyên gia giúp đỡ", ông nói tiếp.
Ở tuổi 11, ngoài khả năng chế tạo tên lửa, Hoằng Sâm đã vượt qua kỳ thi lập trình C++ cấp độ 4 và Python cấp độ 2, đồng thời thành thạo công nghệ in 3D. Cậu bé cũng đạt thành tích học tập xuất sắc và luôn nằm trong top đầu lớp. Hoằng Sâm đặt mục tiêu đỗ vào một trong bảy đại học quốc phòng hàng đầu Trung Quốc, nhưng bố cậu khẳng định sẽ tôn trọng mọi lựa chọn của con trong tương lai.
Trước đó, hồi tháng 7/2022, Hoằng Sâm cũng gây xôn xao trên mạng xã hội, khi chỉ ra điểm sai trong bộ phim tài liệu giới thiệu về tên lửa tại cung thiên văn ở Lhasa, Tây Tạng (Trung Quốc). Theo đó, tên lửa Trường Chinh 3 bị gọi nhầm thành tên lửa Trường Chinh 5.
Sau đó, Hoằng Sâm đã được nhà trường mời lên giảng bài về khoa học vũ trụ cho các bạn cùng trường tại lễ khai giảng. Điều này đã giúp các học sinh tăng cường sự quan tâm và yêu thích về khoa học vũ trụ hơn.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)