Gừng và nghệ, hai loại củ, gia vị tưởng chừng bình dị nhưng lại đang mang về cho Việt Nam hàng chục triệu USD từ xuất khẩu mỗi năm, được ví như "mỏ vàng" dưới lòng đất. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác trong 6 tháng đầu năm đạt 17.280 tấn với kim ngạch đạt 33 triệu USD, giảm 33,6% về lượng nhưng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ Việt Nam bao gồm Ấn Độ đạt 6.635 tấn, chiếm 38,4%, Bangladesh đạt 3.561 tấn chiếm 20,6%, Indonesia đạt 1.396 tấn, chiếm 8,1%.
Hiện nay, nước ta đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc, toàn ngành gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu, quế, hồi, ớt, đậu khấu, gừng, nghệ… đạt 1,257 tỷ USD. Trong đó riêng xuất khẩu gừng nghệ và một số gia vị khác đạt 34.976 tấn với trị giá xuất khẩu đạt 49,3 triệu USD, tăng mạnh 222,4% so với năm 2022.
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được coi là ‘thủ phủ’ gừng của Việt Nam.
Đối với củ gừng, mặt hàng này tuy rất quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại rất được săn lùng và được giá. Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được coi là ‘thủ phủ’ gừng của Việt Nam. Nhờ khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, gừng Kỳ Sơn có chất lượng vượt trội và hương vị đậm đà đặc biệt so với gừng ở những nơi khác. Giống gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa, gồm 2 loại chính gồm: gừng sừng trâu và gừng dé.
Gừng là mặt hàng xuất khẩu đắt giá của Việt Nam.
Gừng còn có tên gọi khác là sinh khương, can khương,... Bên cạnh là mặt hàng xuất khẩu đắt giá, gừng cũng là cây đa dụng, từng bộ phận của đều có lợi cho sức khỏe con người như. Gừng có vị cay nóng, tính ấm nên khi ăn gừng tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể từ bên trong, có tác dụng chữa cảm lạnh, dùng pha trà và gia vị cho các món ăn.
Cùng nhóm gia vị với gừng là củ nghệ. Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nilgeria.
Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới, với hơn 50.000ha (tính đến năm 2021). Các vùng đất trồng nghệ chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông. Thậm chí, tại nhiều địa phương, nghệ còn mọc hoang ở các đồng ruộng, nương rẫy, thể hiện sự thích nghi rộng rãi của loại cây trồng này với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng của đất nước.
Tinh bột nghệ là mặt hàng được nhiều quốc gia săn đón nhất.
Nghệ không chỉ là gia vị quen thuộc trong gian bếp Việt mà còn là nguồn nguyên liệu quý giá cho y học và ngành công nghiệp mỹ phẩm. Với hàm lượng curcumin dồi dào, nghệ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, chống viêm, làm đẹp da,... Đặc biệt, nghệ Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng curcumin cao, từ 3-5%.
Theo các chuyên gia, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn. Để đạt mục tiêu này, các địa phương phát triển cây gia vị theo quy hoạch, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)