Mỏ Bạch Hổ được phát hiện vào năm 1975 và bắt đầu đưa vào khai thác từ tháng 9/1988, ngành dầu khí đã khai thác thương mại tấn dầu đầu tiên tại chính mỏ Bạch Hổ. Tại thời điểm đó, quá trình khảo sát cho thấy thân mỏ dầu Bạch Hổ có trữ lượng gần 4 tỷ thùng, diện tích gần 60km2 và chiều cao khoảng 1.300m. Và Bạch Hổ chính là mỏ dầu lớn nhất trên thềm lục địa của Việt Nam, thuộc bồn trũng Cửu Long, có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn. Mỏ Bạch Hổ cho sản lượng khai thác mỗi ngày đạt 38.000 tấn dầu thô, chiếm 80% sản lượng dầu thô cả nước.
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ
Ngoài Bạch Hổ, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn một số mỏ lớn khác như mỏ Tê Giác Trắng (sản lượng khoảng 34.000 thùng dầu/ngày); mỏ Lan Tây - Lan Đỏ với sản phẩm khai thác chính là khí tự nhiên, mỗi ngày cho khoảng 9,5 triệu m3 khí xuất về bờ. Tất cả những mỏ dầu này đều thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng dầu khoảng 400 triệu tấn, chiếm 93,29% cả nước.
Bên cạnh dầu mỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có trữ lượng khí đốt tự nhiên vô cùng lớn, trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng cả nước. Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở Bể Cửu Long và Bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long có trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 - 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 - 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 - 70 triệu tấn dầu và 10 - 15 tỷ m3 khí.
Giàn BK21, mỏ Bạch Hổ
Sau nhiều năm phát triển, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ làm thay đổi cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang là trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực năng lượng, cung cấp nguồn năng lượng lớn và đảm bảo an ninh năng lượng cho cả nước.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)