Bạn có thể tìm thấy những chú mèo này trong các cơ sở kinh doanh, gia đình và nhà hàng từ Nhật Bản đến châu Âu, Mỹ và cả Việt Nam. Trong văn hóa Nhật Bản, chú mèo vẫy tay có lịch sử phong phú và ý nghĩa sâu sắc.
Nguồn gốc
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về chú mèo vẫy tay nhưng câu chuyện được biết tới nhiều nhất diễn ra ở Tokyo thời Edo. Một ngày nọ, Ii Naotaka, người cai trị vùng Hikone, đang đi săn ngang qua ngôi đền Gotoku-ji thì trời đổ mưa.
Ông tới trú dưới gốc cây và nhìn thấy một chú mèo vẫy tay mời gọi ông vào đền. Ngay khi vị lãnh chúa rời đi, cái cây đã bị sét đánh. Biết ơn chú mèo đã cứu mạng mình, Ii Naotaka quyết định trở thành người bảo trợ cho ngôi đền.
Tới nay, ngôi đền Gotoku-ji vẫn còn tồn tại và là điểm đến của những người yêu quý mèo với hàng nghìn tượng mèo vẫy tay được sắp đặt khắp nơi.
Theo một truyền thuyết khác, bức tượng mèo vẫy tay đầu tiên được làm ở Asakusa (Tokyo) vào những năm 1800. Một cụ bà đành phải bỏ rơi chú mèo của mình vì bà đã cạn tiền, không thể nuôi nó được nữa. Chú mèo xuất hiện trong giấc mơ và nói nếu bà làm đồ gốm theo hình dáng của nó, bà sẽ nhận được nhiều may mắn. Người phụ nữ đã làm như vậy và bắt đầu bán tượng mèo ở cổng đền Imado. Những bức tượng nhanh chóng được ưa chuộng, mang lại cho bà nhiều tiền như chú mèo tiên đoán.
Tượng mèo vẫy tay có từ thế kỷ 19. Ảnh: Conversation
Vẫy tay trái - phải khác gì nhau?
Mèo giơ tay (thực chất là chân trước) phải hay trái có ý nghĩa khác nhau. Bàn tay dài hơn cũng là dấu hiệu may mắn lâu hơn.
Vẫy tay phải: Mèo vẫy tay phải được cho là mèo đực, có khả năng thu hút tiền bạc và thành công tài chính tốt nhất.
Vẫy tay trái: Mèo giơ tay trái lên là mèo cái, thu hút mọi người và những mối quan hệ tốt đẹp. Nhiều doanh nghiệp nuôi mèo giơ tay trái để thu hút khách hàng.
Giơ cả hai tay: Chú mèo giơ cả hai tay lên được cho sẽ thu hút cả tiền bạc và những mối quan hệ tốt đẹp.
Mèo Thần Tài cầm gì?
Hầu hết các chú mèo đều mặc hoặc cầm một vài món đồ gì đó.
Đồ trang trí cổ: Mèo cưng trong thời Edo thường đeo vòng cổ có chuông, biểu thị sự giàu có của chủ nhân và để người chủ có thể theo dõi chúng.
Yếm: Một số chú mèo đeo yếm, tương tự như tượng jizo trong các đền chùa, biểu thị sự bảo vệ.
Đồng xu: Hầu hết mèo đều cầm đồng xu vàng koban tượng trưng cho sự giàu có và may mắn. Koban đôi khi được ghi 10 triệu ryo, một số tiền rất lớn vào thời xưa.
Ngoài ra, trên người mèo còn có cá chép, túi tiền, đá cẩm thạch, củ cải tượng trưng cho sức mạnh, sự giàu có hay quạt hoặc trống thể hiện may mắn trong kinh doanh.
Mỗi màu một ý nghĩa
Mèo vẫy tay mang ý nghĩa chung đem tới may mắn và tài lộc. Tuy nhiên, mỗi màu của mèo có những hàm ý cụ thể hơn. Vị trí đặt mèo cũng ảnh hưởng đến sự may mắn và lợi ích cho chủ nhân. Theo nguyên tắc chung, mèo nên được đặt ở khu vực đông đúc. Mèo rất quyến luyến loài người, cần để ở nơi có thể nhìn thấy và ở gần con người. Đó thường là lối vào cơ sở kinh doanh, phòng khách hoặc căn phòng được sử dụng nhiều.
Màu may mắn nhất: Mèo vẫy tay ban đầu luôn có màu tam thể hoặc màu trắng, đây là những loại phổ biến nhất. Mèo tam thể thường được cho là đem lại may mắn nhiều nhất.
Trắng: Mang lại may mắn nói chung đồng thời đại diện cho hạnh phúc và thuần khiết.
Đen: Mang kỳ vọng xua đuổi tà ác, bảo vệ ngôi nhà. Lý do là màu đen không bị màu khác thay đổi, thể hiện chú mèo không bị cái ác làm biến chất. Mèo vẫy tay màu đen nên được đặt ở lối vào để ngăn chặn cái xấu xâm nhập.
Vàng: Tượng trưng cho thành công về tài chính và may mắn trong kinh doanh, mang lại tài lộc cho gia chủ. Theo quy tắc phong thủy, tốt nhất nên đặt mèo màu vàng ở phía Tây của ngôi nhà để có hiệu quả nhất.
Đỏ: Là màu tốt nhất để cầu mong sức khỏe, tránh xa bệnh tật. Mèo đỏ nên được đặt ở lối vào để ngăn ngừa bệnh tật.
Hồng: Thể hiện mong ước tình yêu trọn vẹn, phù hợp với người muốn tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ lãng mạn.
Xanh lam: Tượng trưng cho mong muốn trí thông minh, thành tích học tập, sự bình tĩnh, đi lại an toàn.
Xanh lá cây: Mang lại an toàn cho các thành viên trong gia đình cả ở nhà và đi xa.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)