1. Mẫu đơn ly hôn thuận tình mới nhất
Đơn ly hôn thuận tình là mẫu đơn được sử dụng để vợ chồng ly hôn sau khi đã thống nhất với nhau về các nội dung: Chấm dứt quan hệ hôn nhân, phân chia tài sản chung vợ chồng, giành quyền nuôi con…
Đơn ly hôn thuận tình thực chất chính là mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP).
Dưới đây là mẫu ly hôn thuận tình:
Mẫu đơn ly hôn thuận tình mới nhất.
2. Hướng dẫn chi tiết cách viết mẫu đơn ly hôn
Để tự mình có thể làm đơn ly hôn thuận tình chuẩn theo mẫu của Toà án, các cặp vợ chồng có thể đọc tiếp hướng dẫn cách viết mẫu đơn ly hôn thuận tình thông qua ví dụ về mẫu đơn này ở dưới đây:
Một số vấn đề nhất định cần phải ghi nhớ và điền vào mẫu đơn ly hôn thuận tình gồm:
2.1 Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết ly hôn
Căn cứ Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hai vợ chồng có thể thoả thuận, quyết định nộp đơn ly hôn theo thoả thuận.
Do đó, Toà án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình là Toà án nhân dân cấp huyện nơi người vợ hoặc người chồng cư trú, làm việc theo thoả thuận của vợ chồng.
Lưu ý: Cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào.
Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B, nếu là Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào.
Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên và địa chỉ của Tòa án đó.
2.2 Những vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết
- Về quan hệ hôn nhân
Kết hôn là việc đăng ký kết hôn khi nam, nữ đáp ứng các yêu cầu nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:
- Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định, được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền;
- Hai người không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Không thuộc trường hợp cấm kết hôn như kết hôn trong phạm vi ba đời, kết hôn giả tạo, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn, người đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác; yêu sách của cải trong kết hôn...
Khi muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng, hai người phải nộp đơn ra Toà án nhân dân có thẩm quyền. Đến khi có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà, quan hệ hôn nhân và gia đình của vợ chồng mới hoàn toàn chấm dứt.
Trong đó, ly hôn thuận tình được định nghĩa tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Theo quy định này, Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn trong trường hợp:
- Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn;
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Đặc biệt: Nếu không thỏa thuận được hoặc có nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án sẽ không giải quyết việc ly hôn thuận tình mà có thể sẽ chuyển sang ly hôn đơn phương.
Mặc dù nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì không phải ai cũng giống nhau nhưng có thể tựu chung thành một số nguyên nhân sau đây:
- Sau nhiều lần cố gắng nhưng quan điểm trong cuộc sống khác nhau, tình cảm vợ chồng không còn, không thể kéo dài cuộc sống hôn nhân nữa.
- Hai người có nhiều mâu thuẫn và mâu thuẫn kéo dài khiến mục đích của hôn nhân không đạt được. Điều này cũng làm hai người không thể kiềm chế được nỗi bức xúc mỗi khi cùng chung sống dưới một mái nhà
- Do một trong hai người vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng như: Ngoại tình, bạo lực gia đình… khiến cả hai đều mệt mỏi và không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng...
- Về con chung
Tòa công nhận ly hôn thuận tình khi vấn đề về quan hệ hôn nhân cũng như con cái đều được hai vợ, chồng thỏa thuận.
Theo đó, về con chung, vợ chồng có thể thỏa thuận về: Người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thỏa thuận được thì dựa vào các căn cứ sau đây để quyết định người nuôi con sau khi ly hôn:
- Căn cứ quyền lợi về mọi mặt của con;
- Nếu còn từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con;
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con. Trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha, mẹ có thỏa thuận khác nhưng phải phù hợp với lợi ích của con.
Hai người trình bày rõ vợ chồng có mấy người con, yêu cầu được nuôi dưỡng và cấp dưỡng với từng người con, nhu cầu và quyết định của người con (nếu đứa bé đã từ đủ 07 tuổi trở lên)... theo kết quả thỏa thuận.
Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng và được quyền thăm nom con mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, người này không được lợi dụng việc thăm non để cản trở, gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu không sẽ bị hạn chế quyền thăm con.
Người trực tiếp nuôi con được quyền yêu cầu người còn lại thực hiện nghĩa vụ với con; được quyền yêu cầu tôn trọng quyền nuôi con của mình và không được cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giá dục con.
- Về tài sản chung
Hiện nay theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình, chế độ tài sản của hai vợ, chồng gồm: Chế độ tài sản theo luật định và theo thỏa thuận.
Trong đó, khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 năm 2016 quy định:
Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản.
Do đó, khi ly hôn, Tòa án sẽ ưu tiên chia tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Hai bên đã thỏa thuận thế nào thì có thể ghi rõ đề nghị kèm theo thông tin cụ thể về từng loại tài sản. Còn nếu không có thì cũng nêu rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.
Đặc biệt: Tài sản riêng của người nào thì thuộc quyền sở hữu của người đó, sẽ không thuộc trường hợp phải phân chia khi ly hôn trừ trường hợp đã nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Về công nợ
Một trong những nội dung không thể thiếu khi vợ, chồng ly hôn là xác định quyền, nghĩa vụ tài sản với người thứ ba. Trong đó, quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi hai vợ chồng ly hôn trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khi ly hôn thuận tình, hai vợ chồng đã thỏa thuận về công nợ chung và muốn Tòa án công nhận thì cũng nêu rõ. Nếu không có thì ghi rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.
2.3 Giấy tờ nộp kèm theo
Để Toà án công nhận ly hôn thuận tình, bên cạnh mẫu đơn ly hôn thuận tình, các loại giấy tờ cần có, cặp vợ chồng cũng phải chuẩn bị và nộp đầy đủ.
Theo đó, tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn gồm: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (bản chứng thực); giấy xác nhận thông tin cư trú, giấy khai sinh nếu hai vợ chồng có con chung và trong đơn có đề cập đến việc giành quyền nuôi con; đăng ký kết hôn (bản chính) và một số giấy tờ khác như giấy tờ về tài sản, công nợ…
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)