Theo các nhà nghiên cứu, Tử Cấm Thành không bị ngập lụt do một số lý do chính sau:
Vị trí địa lý
Bắc Kinh là thành phố cao ở phía Tây Bắc, thấp dần ở phía Đông Nam. Dựa theo đặc điểm này, Tử Cấm Thành được xây dựng với địa thế "núi sau sông trước" khi có lưng dựa vào dãy núi Yên Sơn, phía Đông là biển Bột Hải. Phía Bắc và phía Nam của cung điện này tạo nên một đường dốc thoải, độ cao giữa hai phía chênh lệch khoảng gần 2 mét.
Trên trục chính của Tử Cấm Thành, Cung Khôn Ninh, Cung Càn Thanh, Điện Thái Hòa và Điện Bảo Hòa được xây trên nền móng rất cao.
Vị trí này không chỉ tạo nên vẻ đẹp uy nghi của các cung điện mà còn tránh việc tích nước ở khu vực trung tâm Tử Cấm Thành.
Kiến trúc
Nếu nhìn một cách tổng thể, Tử Cấm Thành sở hữu hệ thống chống ngập dưới lòng đất. Sân của địa điểm này được lát bằng những viên gạch đá xanh, xếp đều nhau.
Nhờ vậy, mặt sân có khả năng thấm nước tốt hơn bề mặt bê tông thông thường. Bên cạnh đó, dưới gạch là một lớp đất rất dày được ví như “miếng bọt biển”, có thể hấp thụ lượng lớn nước mưa.
Đặc biệt, Tử Cấm Thành có một hệ thống thoát nước tương đối hoàn chỉnh. Công trình thoát nước của Cố cung được chia thành những mương nổi và mương chìm. Các kênh mương và sông quanh Tử Cấm Thành, đặc biệt là sông Kim Thủy, cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước khi có mưa lớn, lũ lụt.
Nước mưa trong Tử Cấm Thành thông qua 3 con đường thoát nước là từ mái nhà chảy xuống mặt đất, từ mặt đất chảy vào mương ngầm, từ mương ngầm chảy vào sông Kim Thủy, từ sông Kim Thủy chảy vào sông Đồng Tử, cuối cùng thông ra sông Huệ Hà.
Sông Kim Thủy không chỉ mang ý nghĩa phong thủy mà còn đóng vai trò trong việc ngăn hỏa hoạn, thoát nước và điều hòa khí hậu trong Cố cung. Con sông được chia thành hai phần, nhánh sông chính vây quanh Hoàng cung, nhánh sông phụ chảy vào trong cung.
Đoạn sông Kim Thủy bên trong Cố cung dài khoảng 2.100m, độ sâu trung bình khoảng 4m, sông có khúc rộng, khúc hẹp, chỗ rộng nhất gần 12m, chỗ hẹp nhất không quá 2m. Đáy sông và sườn sông được lát bằng đá. Khúc sông uốn lượn như một con trăn khổng lồ và nước sông xanh màu ngọc bích.
Hơn nữa, bên ngoài mỗi cung điện ở Tử Cấm Thành có nhiều điểm thoát lũ được chạm khắc hình đầu rồng. Khi trời mưa, hàng nghìn chiếc đầu rồng này đồng loạt phun nước chảy xuống các con kênh nhỏ rồi và đổ về sông Kim Thủy.
Do đó, các con kênh nhỏ được đào xen kẽ trong Tử Cấm Thành luôn được quan tâm. Bất kể là vào thời Minh hay thời Thanh, triều đình đều quy định vào mùa xuân phải bố trí các binh lính đi nạo vét tất cả các kênh trước khi mùa mưa đến.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)