Vì dễ chăm sóc lại có ý nghĩa thanh lọc không khí, hút tài lộc may mắn trong phong thủy nên cây lưỡi hổ được nhiều gia đình chọn để trồng ở trong nhà, ban công.
Dù dễ sống nhưng cây lưỡi hổ lại đại kỵ 5 yếu tố này, nếu không biết chăm sóc cây sẽ dễ chết.
Đất trồng nhiều đất thịt
Lưỡi hổ là cây dễ tính nhưng chúng không ưa đất thịt. Nếu trồng ngoài môi trường tự nhiên thì dễ nhưng nếu trồng trong chậu mà nhiều đất thịt thì cây không thoáng khí, không thoát nước tốt nên dễ úng nước chết. Do đó phải trồng đất tơi xốp pha cát. Đất nên có độ kiềm cao để hợp với cây lưỡi hổ. Vào mùa xuân khi rễ cây phát triển bạn nên thay chậu trồng cây để cây tiếp tục và phát triển, khi thay chậu cần chú ý chọn loại đất thêm 1/3 cát to đồng thời chú ý tới việc thoát nước cho chậu cảnh để cây không bị úng.
Tưới nước nhiều
Bản thân lưỡi hổ là loài mọng nước nên chúng không cần tưới nước quá nhiều tương tự xương rồng. Do đó bạn không nên tưới nước thường xuyên. Nhiều nước thì cây bị úng và dễ bị bệnh vàng lá, rệp sâu bọ. Bạn chỉ nên tưới 1 lần/tuần là quá đủ đối với loại cây này.
Ánh sáng
Lưỡi hổ là loài ưa nắng nhẹ và thiên về thích bóng râm nhiều hơn. Nhưng vì cây có sức chịu đựng tốt nên có thể sống trong điều kiện ngoài trời lẫn trong nhà. Nhưng nếu bạn trồng cây lưỡi hổ đột biến, lưỡi hổ lùn lưỡi hổ đã được lai tạo thì nên trồng ở nơi nắng nhẹ, tránh nắng gắt trực tiếp hoặc đột ngột.
Bón phân nhiều Nitơ
Phân đạm mà bón vào cây lưỡi hổ khiến chúng nhanh chết vì bị nóng. Lưỡi hổ không cần nhiều dinh dưỡng, tương tự xương rồng. Lưỡi hổ chỉ cần chăm sóc nhẹ nhàng. Thông thường bạn chỉ cần thỉnh thoảng tưới chút nước gạo hoặc nước ngâm đậu nành, không nên tưới nhiều phân kẻo cây bội thực mà chết.
Nhiệt độ lạnh
Cây lưỡi hổ không chịu được nhiệt độ quá thấp. Do đó tránh tuyệt đối khi đặt lưỡi hổ trong nhà lại đặt chúng đối diện với điều hòa. Vào mùa đông, nên đặt cây lưỡi hổ trong nhà, nơi ấm áp.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)