Có được lùi xe ô tô tại nơi đường bộ giao nhau không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3.16. Nơi đường giao nhau cùng mức (nơi đường giao nhau hoặc nút giao) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó.
3.17. Giá long môn là một dạng kết cấu ngang qua đường ở phía trên phần đường xe chạy.
Như vậy, có thể hiểu nơi đường giao nhau cùng mức (nơi đường giao nhau hoặc nút giao) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định như sau:
Lùi xe
1. Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát hai bên và phía sau xe, có tín hiệu lùi và chỉ lùi xe khi bảo đảm an toàn.
2. Không được lùi xe ở đường một chiều, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, trên đường cao tốc.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người điều khiển xe ô tô không được lùi xe ở nơi đường bộ giao nhau theo quy định.
Lùi xe ô tô trong hẻm ra ngã tư có vi phạm pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 08/2024/TT-BXD có định nghĩa về hẻm như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4. “Ngõ (kiệt)” là lối đi lại trong cụm dân cư, có ít nhất một đầu thông ra đường hoặc phố (nhánh của đường hoặc phố).
5. “Ngách (hẻm)” là lối đi lại trong cụm dân cư có một đầu thông ra ngõ, không trực tiếp thông ra đường, phố.
Theo đó, hẻm được hiểu là lối đi lại trong cụm dân cư có một đầu thông ra ngõ, không trực tiếp thông ra đường, phố.
Do đó, có thể thấy việc lùi xe từ trong hẻm ra ngã tư chưa được pháp luật quy định, tuy nhiên khi lùi xe ô tô từ trong hẻm ra ngã tư người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ cần phải thực hiện quan sát hai bên và phía sau xe, có tín hiệu lùi và chỉ lùi xe khi bảo đảm an toàn.
(Ảnh minh họa).
Lùi xe ô tô tại nơi đường bộ giao nhau bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất; lùi xe không quan sát hai bên, phía sau xe hoặc không có tín hiệu lùi xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 11 Điều này;
10. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 11 Điều này;
Như vậy, từ năm 2025 có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông đường bộ thực hiện lùi xe ở nơi đường bộ giao nhau, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 11 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP;
Ngoài ra, nếu trường hợp người điều khiển xe ô tô thực hiện lùi xe ở nơi đường bộ giao nhau mà gây tai nạn giao thông có thể sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm.
Theo quy định, không được lùi xe ở đường một chiều, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, trên đường cao tốc. (Ảnh minh họa)
Có trừ điểm giấy phép lái xe người lùi xe ô tô tại nơi đường bộ giao nhau không?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
16. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h, điểm i khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm g khoản 4; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i, điểm k, điểm n, điểm o khoản 5 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h khoản 5; khoản 6; điểm b khoản 7; điểm b, điểm c, điểm d khoản 9 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm p khoản 5; điểm a, điểm c khoản 7; khoản 8 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 06 điểm;
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 9, khoản 10, điểm đ khoản 11 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Như vậy, người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông đường bộ thực hiện lùi xe ở nơi đường bộ giao nhau sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm;
Bên cạnh đó, nếu trường hợp người điều khiển xe ô tô lùi xe ở nơi đường bộ giao nhau gây tai nạn giao thông sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)