Trứng dù là trứng gà hay vịt hay chim cút đều có lớp vỏ rồi lớp lòng trắng và lòng đỏ (gọi lòng đỏ nhưng màu sẽ vàng hoặc vàng cam). Màu đặc trưng của lòng đỏ này là khi chín sẽ có màu vàng tươi hoặc vàng cam tùy thuộc loại trứng được nuôi bằng thức ăn gì, luộc bao nhiêu phút.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bạn sẽ thấy lớp ngoài của lòng đỏ có màu xanh, thậm chí rất sẫm (nếu bổ đôi quả trứng luộc, bạn sẽ thấy một viền xanh mỏng bao quanh lòng đỏ). Không ít người cảm thấy lo lắng trước hiện tượng này, thậm chí còn băn khoăn không biết có nên ăn hay không, ăn vào có hại gì không.
Nguyên nhân lòng đỏ có lớp màu xanh
Thực ra trứng có lớp màu xanh này là do cách luộc chứ không phải do trứng có chất gì lạ. Khi chúng ta luộc/hấp trứng chín quá kỹ thì sẽ xuất hiện màu xanh này. Đó là vì dưới tác động của nhiệt trong thời gian quá lâu thì chất hydro sulfide (H2S) trong lòng trắng trứng sẽ phản ứng với sắt trong lòng đỏ trứng, tạo thành sắt sulfide FeS có màu xanh đen.
Thế nên mới tạo ra lớp màu xanh bám ở lòng đỏ, nơi tiếp xúc với lòng trắng, còn phần lòng đỏ bên trong vẫn giữ màu vàng chứ không bị xanh hết cả lòng đỏ.
Màu xanh này không gây hại cho sức khỏe người ăn. Có chăng khi luộc quá kỹ này thì mùi vị trứng không ngon bằng luộc vừa chín, hơn nữa trứng sẽ khô hơn nên ăn không mềm ngậy bằng luộc vừa chín hoặc luộc lòng đỏ.
Nếu không muốn có lớp ngoài xanh ở lòng đỏ trứng luộc, bạn chỉ cần đơn giản không luộc trứng quá lâu. Nếu muốn thích vị bùi bùi của trứng chín kỹ, hãy dừng lại ở con số 11 phút rồi tắt bếp.
Nếu muốn ăn trứng chín tới, bạn chỉ cần luộc 9 phút. Với món trứng lòng đào, 3 phút là quãng thời gian hợp lý. Bạn có thể đợi 5 phút nếu muốn lòng đỏ bắt đầu đặc sệt lại hoặc 7 phút để lòng đỏ chín nhưng vẫn còn màu hồng ở giữa.
BL (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)